(VOV5) - Ngày 9/7, Việt Nam và Lào sẽ tổ chức lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới giữa hai nước trên thực địa và khánh thành mốc đại (số 460) tại cặp cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Nghệ An) - Nậm On (tỉnh Borikhamxay), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước. Đây là sự kiện mang tính lịch sử bởi từ đây, nhân dân hai nước có một đường biên giới hiện đại, trường tồn, góp phần quan trọng để hai nước cùng nhau củng cố an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới.
Biên giới Việt Nam-Lào dài hơn 2.060 km, tiếp giáp với 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Ngày 18/7/1977, Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào được ký kết. Đến đầu năm 1987, hai nước cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới với 214 cột mốc được làm bằng bê tông cốt thép. Hệ thống cột mốc này đã khẳng định được sự phù hợp với thực tế của đường biên giới, luật pháp quốc tế và là cơ sở pháp lý quan trọng để hai Nhà nước Việt Nam, Lào thực hiện việc quản lý, bảo vệ biên giới và được nhân dân, chính quyền các cấp hai bên tôn trọng. Tuy nhiên, nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác lâu dài giữa hai nước, trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, ngày 30/1/2008, Chính phủ hai nước Việt Nam, Lào thống nhất phối hợp xây dựng và thực hiện "Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào". Thời gian thực hiện dự án kéo dài đến năm 2014.
Hơn 6 năm, với bao nỗ lực, vượt qua bao khó khăn gian khổ bởi thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, với sự chỉ đạo sát sao của hai chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực chung của các bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước, đến nay hai bên đã hoàn thành trước thời hạn xây dựng một hệ thống mốc bằng đá hoa cương, khang trang, hiện đại, bền vững với 793 vị trí mốc, tương ứng 835 cột mốc. Việc tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới đảm bảo tính bền vững và đáp ứng những tiêu chí phù hợp với thông lệ quốc tế.
Là một tỉnh có tuyến biên giới tiếp giáp nhiều nhất với Lào, trong suốt mấy năm qua, với tinh thần chủ động, quyết tâm cao nhất, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực triển khai có hiệu quả chương trình tôn tạo, tăng dầy hệ thống cắm mốc biên giới Việt Nam-Lào, từ khâu tiến hành khảo sát, đo đạc, xác định chính xác vị trí đến xây dựng kế hoạch tôn tạo, tăng dầy cột mốc đồng thời tăng cường công tác tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc. Thượng tá Nguyễn Huy Trung, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Đội trưởng Đội cắm mốc tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Nhờ sự phối hợp tốt giữa các lực lượng cắm mốc của tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Borikhamsay, với sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh thì bộ đội biên phòng đã phối hợp hoàn thành việc xác định vị trí và cắm mốc trên thực địa trên tuyến biên giới Hà Tĩnh-Borikhamsay, hoàn thành nhiệm vụ cắm mốc trên thực địa đoạn biên giới với Borikhamsay. Mặc dù trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn cho đến hôm nay, nhưng nhờ sự phối hợp tốt, chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch của Ban chỉ đạo trung ương.”
|
Họp báo tuyên truyền cắm mốc biên giới Việt – Lào. |
Vượt qua những khó khăn do địa hình hiểm trở, giao thông không thuận tiện, thời tiết khắc nghiệt, công tác xây dựng mốc giới Việt-Lào cũng gặp nhiều thuận lợi do đường biên giới Việt Nam - Lào đã được hoạch định rõ ràng và đã được phân giới cắm mốc trong những năm 1977 – 1986. Đường biên giới này cũng đã được thể hiện đầy đủ trên bản đồ do hai bên lập năm 2003 bằng phương pháp kỹ thuật hiện đại, chính xác. Bên cạnh đó, dự án này còn được xây dựng trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ việc phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam – Campuchia. Nhưng vượt lên trên hết đó là sự đoàn kết, giúp đỡ nhau của chính những người bộ đội hai nước Việt-Lào trực tiếp làm công tác trên thực địa. Đại úy Thạ Noong Xỏng, Phó đội trưởng Đội cắm mốc tỉnh Savanakhet Lào, cho biết: “Được sự phân công chỉ đạo của 3 tỉnh, chúng tôi từ đội cắm mốc số 7 làm nhiệm vụ tăng dầy, tôn tạo cột mốc trên tuyến biên giới Quảng Trị-Savanakhet, Hà Tĩnh-Khăm muộn. Trong quá trình làm việc trên thực địa, chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho nhau. Bên cạnh đó có sự quan tâm của cấp trên mỗi nước.”
Trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, cuối cùng ý nguyện xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, trường tồn mãi theo thời gian của lãnh đạo hai nước đã hoàn thành. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, hai nước Việt Nam và Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau, xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt, cao đẹp, thủy chung, mẫu mực, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam-Lào là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân dân hai nước, góp phần vun đắp thêm cho tình hữu nghị Việt-Lào mãi sắt son, bền vững./.