(VOV5) - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới quốc gia láng giềng Ấn Độ. Chọn Ấn Độ là quốc gia dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng là chủ ý của Bắc Kinh, một mặt nhằm tăng cường thương mại đầu tư với New Dehli, mặt khác gây dựng sự tin cậy về mặt chính trị với Ấn Độ sau hàng loạt những bất đồng cả trong quá khứ lẫn hiện tại liên quan đến nhiều vấn đề. Nhưng giới phân tích nhận định trái ngược với những ngôn từ ngoại giao hoa mỹ và cái bắt tay hợp tác, kết quả đạt được của chuyến công du này là hết sức khiêm tốn.
Trong cái nắng gay gắt của mùa hè New Dehli, Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh đón tiếp người đồng cấp Lý Khắc Cường với nghi thức ngoại giao cấp cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tương tự như truyền thông Bắc Kinh loan báo trước thềm chuyến thăm, trong cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định chuyến công du là nhằm mục đích để chỉ cho thế giới thấy sự tin tưởng chính trị lẫn nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, các hợp tác thiết thực đang được mở rộng và hai bên có nhiều lợi ích chung hơn là sự khác biệt. Đáp lại, Thủ tướng Manmohan Singh cũng nhấn mạnh không chỉ có quan hệ láng giềng gần gũi mà Ấn Độ và Trung Quốc đều là hai cường quốc đang phát triển và đã trở thành đối tác chiến lược đối với nhiều vấn đề quốc tế. Do đó, không thể để những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ song phương, nhất là thương mại đầu tư. Hai Thủ tướng nhất trí cam kết nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và bằng việc ký kết 8 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch.., Bắc Kinh và New Dehli đang cùng chứng tỏ vai trò đầu tầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới
|
Thủ tướng Lý Khắc Cường (trước, phải) tại sân bay ở thủ đô New Delhi ngày 19/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, lời nói chẳng dễ như việc làm. Dù Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ nhưng thâm hụt thương mại ngày càng lớn đang nhân tố gia tăng sự bất đồng giữa hai bên. Xuất phát hầu như từ con số 0 trong những năm 1990, thương mại song phương Trung-Ấn đã dần nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc. Nước này chủ yếu xuất khẩu điện và thiết bị viễn thông sang Ấn Độ nhưng lại không mở rộng cửa cho các lĩnh vực này của Ấn Độ vào thị trường Trung Quốc. Cái khó ở chỗ Trung Quốc luôn phủ nhận thâm hụt thương mại do hạn chế nhập khẩu mà đổ lỗi cho sự mất cân đối này là do “khác biệt trong cơ cấu kinh tế hai nước”. Đương nhiên là New Dehli chẳng bao giờ hài lòng với lý do này. Do vậy, dù khẳng định mong muốn cùng Trung Quốc nâng kim ngạch thương mai song phương nhưng ông Manmohan Singh cũng thẳng thắn cho rằng để đạt được con số ấn tượng 100 tỷ USD vào năm 2015 thì điều quan trọng là phải tìm ra cách cân bằng thâm hụt thương mại mà điều này phụ thuộc phần lớn từ phía Trung Quốc.
Cùng với vấn đề thâm hụt thương mại, những bất đồng về lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong suốt một thời gian dài không tìm ra giải pháp triệt để cũng là vật cản để hai bên “xây dựng niềm tin”. Sự ngờ vực giữa hai nước, từ chiến tranh biên giới hồi năm 1962, vẫn âm ỉ cháy khi mà trước chuyến thăm này chưa đầy một tháng, quan hệ Bắc Kinh-New Dehli bị đẩy lên mức đỉnh điểm căng thẳng khi Ấn Độ tố cáo quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ ở phía tây bắc dãy Himalaya. Ấn Độ đáp trả bằng việc huy động quân đội rầm rộ đến khu vực này và căng thẳng chỉ tạm thời chấm dứt khi hai bên thỏa thuận sẽ tìm giải pháp lâu dài và toàn diện cho xung đột biên giới lãnh thổ. Trong chuyến thăm này, một lần nữa vấn đề xung đột biên giới được đặt lên bàn nghị sự nhưng cũng không đi đến kết quả cụ thể nào khi Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ đưa ra gợi ý tăng cường cơ chế xây dựng lòng tin ở biên giới có tranh chấp một cách chung chung, cho rằng những đề xuất nhằm làm giảm căng thẳng “sẽ còn phải được các bên cân nhắc lâu dài”. Trước khi ông Lý Khắc Cường tới Bắc Kinh, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng tải một bài bình luận nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý "tách vấn đề biên giới ra khỏi mối quan hệ tổng thể và đảm bảo sự khác biệt không ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ song phương". Nhưng theo các chuyên gia nhận định, nếu đặt vấn đề chiến lược sang một bên chỉ tập trung vào quan hệ kinh tế thì sự bùng phát xung đột sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện. Trong bối cảnh Ấn Độ đang có hàng loạt bước đi nhằm giành thế “thượng phong” như điều chỉnh chiến lược về quân sự và ngoại giao, tăng cường hiện đại hóa quân đội… thì mối nguy “người khổng lồ láng giềng” khiến Trung Quốc không thể bỏ qua. Thêm vào đó, việc Ấn Độ đang ngày càng gần gũi với Washington và tỏ ra không ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông cũng là nguyên nhân khiến cho quan hệ Bắc Kinh – New Dehli không như mong đợi. Thực tế là trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã từ chối ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tình hình các đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Rõ ràng, chuyến công du New Delhi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được xem là bằng chứng của mối quan hệ láng giềng khó hòa hợp. Là đối tác rất quan trọng của nhau nhưng thiếu sự tin tưởng chiến lược khiến hai quốc gia láng giềng châu Á khó có thể xích lại gần nhau. Bởi vậy, không nên mong đợi có sự đột phá trong mối quan hệ hai bên trong thời gian tới là điều mà giới phân tích nhận định./.