(VOV5) - Hội nghị Cấp cao an ninh châu Á lần thứ 12 (Shangri-La 12) hôm nay bắt đầu diễn ra tại Singapore. Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện của 31 quốc gia sẽ tham dự nhiều phiên thảo luận, tập trung vào các chủ đề quan trọng về hợp tác quốc phòng, an ninh và xây dựng lòng tin ở khu vực. Đặc biệt, tại Hội nghị năm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ có diễn văn khai mạc trong vai trò là diễn giả chính của sự kiện quan trọng này.
|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Đối thoại Shangri - La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 và đã trở thành diễn đàn hàng năm với sự tham dự của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả đến từ nhiều quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm nay, Đối thoại Shangri-La thu hút sự tham gia của đại diện 31 quốc gia gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh lực lượng quốc phòng, Tư lệnh quân, binh chủng, giới chức ngoại giao, an ninh, các nhà nghiên cứu, học giả. Nội dung đối thoại chính của Shangri-La 12 được bàn thảo thông qua 6 phiên thảo luận đặc biệt và 5 phiên họp toàn thể xoay quanh các chủ đề như Sự tiếp cận của Hoa Kỳ đối với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn chặn xung đột; hiện đại hóa quân đội và sự minh bạch về chiến lược; Các xu hướng mới trong môi trường an ninh Châu Á-Thái Bình Dương; Thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Liên tục tham dự Đối thoại Shangri - La từ hội nghị lần thứ nhất năm 2002 đến nay, Việt Nam đã chủ động nâng cấp thành phần tham dự Đối thoại với nhiều sáng kiến tích cực, đề nghị trách nhiệm đối với an ninh của khu vực, nhất là liên quan đến thúc đẩy ngoại giao quốc phòng, đối phó với các thách thức an ninh trên biển. Ví dụ, năm 2008, 2012, Đoàn Việt Nam tham dự ở cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 2009, 2010 và 2011, Đoàn Việt Nam tham dự ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác. Cũng tại diễn đàn này, đoàn Việt Nam có nhiều tham luận quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng khu vực như "Thúc đẩy ngoại giao quốc phòng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương"; "Đổi mới cấu trúc an ninh khu vực"; "Đối phó với những thách thức an ninh biển mới".
Tại Đối thoại Shangri - La 12, lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam phát biểu trước diễn đàn an ninh quốc tế về chính sách ngoại giao, an ninh quốc gia cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam trong bối cảnh khu vực đang có nhiều căng thẳng. Thủ tướng sẽ đề ra các sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tham gia giải quyết các thách thức, trên cơ sở phù hợp với lợi ích chung của khu vực và mỗi quốc gia. Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được coi là định hướng những nội dung chính cho Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 này.
Theo Tiến sĩ John Chipman, Tổng Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, sự tham gia của Thủ tướng Việt Nam và các quan điểm của Việt Nam về những vấn đề quốc phòng hiện tại cũng như các cơ hội giải quyết xung đột sẽ tăng thêm sức nặng đáng kể cho các cuộc thảo luận quan trọng về an ninh khu vực. Giáo sư Carlyle A.Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng Việt Nam có thể mong đợi tất cả những vấn đề an ninh gây quan ngại sẽ được đề cập một cách đầy đủ tại diễn đàn này.
Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhận lời mời của Chính phủ Singapore và Ban tổ chức tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc Shangri-La 12 cho thấy vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam đang tích cực hội nhập, sẵn sàng hợp tác bình đẳng, trên tinh thần xây dựng, vì môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực và thế giới.
11 năm qua, Đối thoại Shangri-La đã được giới quan sát quốc tế và chính phủ nhiều nước nhìn nhận là diễn đàn quan trọng trong việc đưa ra những giải pháp hòa bình, an ninh cho khu vực châu Á đang có nhiều chuyển biến. Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vai trò là diễn giả chính tại một diễn đàn lớn, tầm cỡ về quốc phòng, an ninh của khu vực, khẳng định vị thế của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. /.