Sóng gió trong quan hệ Mỹ - Brazil
(VOV5) - Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 17/09 đã huỷ chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Quyết định này đã đặt quan hệ ngoại giao Mỹ - Brazil trước những thách thức lớn đồng thời là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barak Obama trong việc cải thiện quan hệ với 1 trong 2 nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ này. Biên tập viên VOV5 phân tích rõ hơn tình cảnh này.
|
Tập đoàn Petrobras được cho là nằm trong danh sách do thám của cơ quan an ninh Mỹ. |
Mọi việc xuất phát từ việc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị cáo buộc trong vài năm qua đã tiến hành theo dõi thư điện tử của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff với thuộc cấp cũng như giám sát hoạt động của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, tập đoàn lớn thứ 4 thế giới của Brazil.
Theo kênh truyền hình Globo (Brazil), NSA đã theo dõi các thư tín điện tử, các cuộc điện thoại và tin nhắn văn bản mà Tổng thống Brazil Dilma Rousseff trao đổi với thuộc cấp. Không dừng lại ở đó, Cơ quan này còn thu thập thông tin trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Nạn nhân lần này chính là Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras của Brazil, tập đoàn dầu khí lớn nhất Brazil với 85.000 nhân viên và doanh thu hằng năm lên tới khoảng 120 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, việc Mỹ theo dõi Petrobras nhằm mục đích biết trữ lượng dầu mỏ tại nam Đại Tây Dương.
Trước những sự việc nghiêm trọng trên, Tổng thống Dilma Rousseff đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại Dinh Planalto với sự tham gia của các thành viên Bộ quốc phòng, Tư pháp, Truyền thông và Ngoại giao. Đại sứ Mỹ cũng bị triệu tới với yêu cầu làm rõ sự việc. Chính phủ Brazil đã ra thông cáo khẳng định các hoạt động theo dõi trái phép bằng cách chặn liên lạc và dữ liệu của các công dân, công ty và các thành viên của Chính phủ Brazil là xâm phạm chủ quyền quốc gia và không phù hợp với hợp tác dân chủ giữa các quốc gia thân thiện. Ngoại trưởng Brazil Luiz Alberto Figueiredo Machado cho rằng vụ bê bối này là hành động vi phạm không thể chấp nhận. Trong khi đó, nhiều quan chức Brazil cho biết sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ bê bối trên.
Không chỉ phát đi các thông điệp phản đối hành động của NSA, Brazil cũng bắt đầu triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của Mỹ. Tổng thống Dilma Rousseff đã ra lệnh áp dụng một loạt biện pháp nhằm bảo đảm sự độc lập của Brazil trong các hệ thống mạng Internet. Chính phủ Brazil sẽ phóng vệ tinh viễn thông vào năm 2016 và lắp đặt một hệ thống cáp quang riêng rẽ dưới đáy biển trực tiếp với châu Âu và các nước Nam Mỹ để tránh sự do thám của Mỹ. Bà Dilma Rousseff cũng đang hối thúc Quốc hội thông qua dự luật buộc Facebook, Google và các công ty dịch vụ trực tuyến khác phải lưu trữ các dữ liệu do người Brazil tạo ra trong các máy chủ đặt trong lãnh thổ Brazil. Với kế hoạch này, Brazil có thể tạo ra một tiền lệ để các nước khác theo gương, phá vỡ sự độc quyền hiện có của Mỹ trên hệ thống Internet.
Rõ ràng bê bối nghe lén của NSA đã khiến mối quan hệ Mỹ- Brazil gặp khó khăn nhất là khi chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Brazil được nhận định là chuyến thăm quan trọng để thảo luận về một hợp đồng mua máy bay chiến đấu, kế hoạch hợp tác về dầu mỏ và công nghệ nhiên liệu sinh học cũng như các thỏa thuận thương mại khác. Đó là chưa kể đến việc Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Brazil với trao đổi mậu dịch hai chiều năm 2012 đạt trên 59 tỷ USD. Hoa Kỳ cũng luôn xem Brazil là một nước có ảnh hưởng quan trọng trong khu vực nhờ sức mạnh kinh tế, vai trò lãnh đạo tại Nam Mỹ và tiếng nói có trọng lượng tại các diễn đàn đa phương.
Quan hệ Mỹ - Brazil từng trở nên khăng khít kể từ khi bà Dilma Rousseff lên cầm quyền năm 2011 nhưng giờ đây mối quan hệ này đang đứng trước thách thức lớn. Mặc dù chính quyền Tổng thống Barak Obama cam kết sẽ điều tra rõ cáo buộc liên quan đến do thám mạng đối với Tổng thống Brazil đồng thời cùng hợp tác trong vấn đề an ninh mạng nhưng xem ra quan hệ giữa Mỹ với Brazil khó có thể trở lại như trước./.