(VOV5) - Ngày 28/1, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố quân đội Mali, được gần 3.000 binh sĩ Pháp hỗ trợ, đã chiến thắng trong cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát miền Bắc quốc gia Châu Phi này từ tay phiến quân Hồi giáo. Chiến thắng này là sự mong đợi của nhiều người dân Mali nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.
|
Cộng đồng các quốc gia Tây Phi đã gửi 1.000 binh sĩ tới Mali (Ảnh: dailynewsegypt) |
Cùng với tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande, quân đội và Chính phủ Mali cũng xác nhận liên quân Pháp - Mali đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Timbuktu, thành trì của các tay súng Hồi giáo cực đoan chiếm đóng miền Bắc Mali từ tháng 4/2012. Việc hàng trăm người dân vẫy cờ Pháp và Mali chào đón lực lượng liên quân khi họ tiến vào thành phố lịch sử bị chiếm đóng và áp đặt Luật Hồi giáo suốt 10 tháng qua này cho thấy sự mong mỏi hoà bình của người dân nơi đây. Trước đó, ngày 26/1, lực lượng do Pháp dẫn đầu cũng đã giành lại Gao, thị trấn lớn nhất ở miền Bắc Mali. Đây được xem là thắng lợi quan trọng của lực lượng do Pháp dẫn đầu kể từ khi chiến dịch đánh đuổi phiến quân Hồi giáo ra khỏi miền Bắc Mali bắt đầu được tiến hành ngày 11/1.
Cùng với tuyên bố giành chiến thắng, Tổng thống Hollande cũng khẳng định mang lại ổn định lâu dài cho Mali là nghĩa vụ của Pháp. Tuy nhiên, đây quả là mục tiêu không dễ dàng khi mà tại Mali còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Thứ nhất là lực lượng do Pháp đứng đầu tuy đã chiếm lại nhiều thành phố quan trọng ở miền Bắc nhưng mới chỉ buộc lực lượng nổi dậy phải di chuyển lên các vùng sa mạc và vùng núi. Mảnh đất để cho lực lượng Hồi giáo cực đoan phát triển trở lại vẫn rất rộng khi mà ở quốc gia châu Phi này, những nhóm khủng bố luôn thoắt ẩn thoắt hiện và địa hình hiểm trở chính là nơi ẩn náu lý tưởng. Đó là chưa kể đến việc lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Mali nhận được những khoản tài trợ rất lớn, có thể tới hàng chục triệu USD từ các tổ chức buôn người hay buôn lậu ma túy xuyên quốc gia. Khoản kinh phí này giúp các tay súng nổi dậy được vũ trang khá hiện đại.
Tình hình chính trị - xã hội cũng là nhân tố ảnh hướng lớn đến sự ổn định ở Mali. Về chính trị, Mali không có Tổng thống chính thống từ tháng 3-2012 và Thủ tướng từ tháng 12-2012. Thêm vào đó, quân đội Mali chia rẽ trong một thể chế nhà nước rất yếu. Việc thiếu hụt các cơ quan nhà nước chính là điều kiện thuận lợi cho những kẻ cực đoan, khủng bố và các nhóm tội phạm phát triển. Về địa lý, Mali là một trong những nước nghèo nhất ở châu Phi, một vùng đất rộng lớn, phần lớn là sa mạc, dân cư thưa thớt. Liên hợp quốc cho biết kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu, 9.000 người Mali đã phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn cùng với tình cảnh 230.000 người phải đi sơ tán. Đó là chưa kể đến việc quốc gia này có biên giới với 7 nước láng giềng, tình hình an ninh biên giới không được kiểm soát. Nhiều quốc gia trong số đó đã phải hứng chịu bạo lực, chủ nghĩa cực đoan, sự bất ổn. Mali cũng có một số các tuyến đường buôn lậu sôi động nhất từ châu Phi tới châu Âu, các tuyến đường lâu nay đã được các chiến binh khai thác thành máy rút tiền cho mình.
Trong bối cảnh đó, nguy cơ lực lượng Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh trở lại ở Mali là hiện hữu. Chính vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi, diễn ra 2 ngày 28 – 29/1, tại Ethiopia, Chủ tịch khối này, Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn cho biết Liên minh châu Phi sẽ hỗ trợ 50 triệu USD cho chiến dịch quân sự tại Mali. Đây là nguồn lực cần thiết hỗ trợ hoạt động của các lực lượng quốc phòng và an ninh ở Mali. Liên minh châu Phi dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ tại Ethiopoa vào thứ 6 tuần này, nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ về tài chính và hậu cần cho chiến dịch quân sự tại Mali. Trong khi đó, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đang xem xét các đề xuất về hỗ trợ hậu cần cho các nước châu Phi. Ông Ban Ki moon cũng thúc giục chính quyền Mali khôi phục lại trật tự hiến pháp. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Mali tiến hành cải cách về an ninh, nâng cao năng lực điều hành đất nước.
Sau khoảng hai tuần triển khai chiến dịch can thiệp quân sự, Pháp đã đạt được mục tiêu là giành quyền kiểm soát miền Bắc Mali. Tuy nhiên, thành quả này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sự ổn định ở Mali là rất mong manh./.