(VOV5) - Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai. Theo đó, chính sách, pháp luật về đất đai tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương nhận thức rằng đất đai, quản lý và sử dụng đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế rộng lớn, phức tạp mà còn là vấn đề chính trị xã hội rất hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến việc giữ vững thành quả của cách mạng, của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương khoá 11 đã dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc về vấn đề này. Trung ương khẳng định sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai, phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thông qua việc thực hiện Nghị quyết, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được nâng cao, bảo đảm quỹ đất phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định xã hội, an ninh lương thực, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường. Chính sách, pháp luật đất đai từng bước được hoàn thiện; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập. Từ thực tiễn cuộc sống, bà Nguyễn Thị Thành ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải dương, bày tỏ ý kiến: “Tôi thấy Luật đất đai có các quy định không rõ, không thống nhất mà cán bộ hiện nay thì một là nhận thức chưa đầy đủ, hai là cũng có phần thiếu trách nhiệm. Tôi đề nghị Luật đất đai cần sửa đổi như thế nào đó để phù hợp với thực tế, để người dân không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện”.
Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá 11, các vị lãnh đạo Trung ương nhất trí cho rằng: Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn sống của nhân dân; là tài sản, là nguồn lực to lớn của đất nước. Theo đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có thể nói, một điểm mới của lần này là, chúng ta đã nhận thức rõ ràng hơn và quy định rành mạch hơn sự khác nhau giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với từng loại đất. Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn; được có một số quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp...) theo quy định của pháp luật và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có sự phân biệt các loại đất và nguồn gốc đất; đồng thời phải có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về đất đai, phải đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch và chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái. Về vấn đề này, ông Trần Quang Huy, giảng viên bộ môn Luật đất đai, khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà nội, nêu ý kiến: “Tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật đất đai năm 2003 là rất cần thiết. Quan hệ đất đai thị trường đã có những bước tiến rất lớn phát sinh những tranh chấp, những khiếu kiện. Quyền lợi của người sử dụng đất chưa được đảm bảo. Theo quan điểm của tôi, chúng ta sẽ phải quan tâm đến vấn đề sở hữu, có sự tách bạch giữa quyền sở hữu đất đai toàn dân với quyền sử dụng đất của người sử dụng đất, coi quyền sử dụng đất đó là quyền sở hữu tài sản tư của người được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Vấn đề sở hữu phải có sự thống nhất giữa Hiến pháp, Luật đất đai và các quy định của Bộ Luật hình sự”.
Trước yêu cầu của cuộc sống xã hội, việc sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai còn theo hướng nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững. Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội hoàn thiện khung pháp lý thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của cuộc cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.