(VOV)- Việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và lấy ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi trong bản Hiến pháp này đang được các ngành chức năng tích cực triển khai. Ngày 18/04 tại Hà Nội, Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 cũng tổ chức phiên họp lần thứ 4 thảo luận về Dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo báo cáo những vấn đề cơ bản về sửa đổi bản Hiến pháp này. Các ý kiến trước đó đều cho rằng sửa đổi Hiến pháp là điều hết sức cần thiết nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, phù hợp với bối cảnh đổi mới của đất nước trong những năm tiếp theo.
Mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp lần này làm sao phải xây dựng được một bộ máy hành chính từ trên xuống dưới, tạo được một cơ chế hoạt động thực sự thống nhất và hiệu quả. Để giải quyết khẩn trương, nhanh gọn hơn những vấn đề theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng thì yêu cầu đặt ra là bộ máy phải gọn. Hiến pháp năm 1992 trong lần sửa đổi năm 2001 đã ghi nhận nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên, nguyên tắc này lại chưa thể hiện đầy đủ và nhất quán trong các chương, điều của Hiến pháp. Hiến pháp chưa xác định rõ cơ quan nào thực hiện quyền hành pháp, cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp, do đó, các quy định về vị trí, chức năng và mối quan hệ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước cũng chưa thực sự rõ ràng, rành mạch. Hạn chế, bất cập này gây vướng mắc, cản trở việc thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Ông Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: “Hiến pháp 1992 chủ yếu đổi mới toàn diện chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Còn về bộ máy nhà nước, thì về cơ bản vẫn giữ theo những mô hình của các hiến pháp trước đó. Cho nên cần phải có định hướng cơ bản nhất về sửa đổi bộ máy nhà nước. Chúng ta phải giải mã được nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chúng ta phải giải mã được cái đó rất rạch ròi.”
Đối với vấn đề quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận khá đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy, cách thể hiện tại nhiều quy định của Hiến pháp năm 1992 còn chưa khoa học, chưa thể hiện đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Để sửa đổi, bổ sung, cần làm rõ, phân biệt quyền con người với quyền công dân. Quyền công dân chỉ nên bị hạn chế bởi luật do Quốc hội ban hành, Hiến pháp chỉ nên quy định những quyền cơ bản của công dân, của con người nhằm xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh mỗi cá nhân, tập thể vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ 3 thuộc tính cơ bản làm nên bản chất của chế độ là tính xã hội chủ nghĩa, tính nhân dân và tính pháp quyền, cần xác lập và không ngừng củng cố quyền làm chủ của nhân dân, mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân. Quyền lực nhà nước của nhân dân chỉ có thể được xác lập nếu lấy khối đại đoàn kết là nền tảng. Ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nghiệm Ủy ban pháp luật của quốc hội, nêu ý kiến:“Điều 2 của Hiến pháp 1992 có nói tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Tôi đề nghị sửa cụm từ đó, phải nói là nền tảng là khối đại đoàn kết các dân tộc. vì Đảng đã xác định khối đại đoàn kết dân tộc có vai trò chiến lược. Đảng cũng đã xác định là vì lợi ích dân tộc. Khối đại đoàn kết dân tộc mang tính bền vững, ít biến chuyển hơn giai cấp nông dân và công nhân.”.
Về chế độ kinh tế, theo nhiều chuyên gia, dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm mục tiêu, định hướng chính sách lớn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.
Hiến pháp năm 1992 là bản Hiến pháp thứ 4 của Việt Nam kể từ khi giành được độc lập năm 1945. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tiếp tục thể chế hoá kịp thời các chủ trương, chính sách lớn đã được thông qua tại Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam, tạo sức bật cho sự phát triển của đất nước./.