(VOV5) - Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) là một trong những dự án luật quan trọng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động đầu tư.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư, thì dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) được thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, được kỳ vọng sẽ tạo một cú hích, đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập, góp phần cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ảnh minh họa./ VGP |
Dự án luật đầu tư (sửa đổi) hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm
Đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư
Để bảo đảm đúng ý nghĩa của tinh thần Hiến pháp, công khai, minh bạch, tránh lạm dụng sinh ra nhiều giấy phép con, dự án Luật quy định nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Dự thảo cũng bãi bỏ hơn 10 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá: "Việc thiết kế Điều 6 về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh trong luật là bước tiến bộ, thể hiện tinh thần của Hiến pháp là mọi người dân có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm".
Một số vấn đề lớn mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng đâ có bước đột phá hơn trong dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) lần này như tiếp tục bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách, đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án đầu tư...
Ngoài việc làm rõ mục đích, nội hàm của một số khái niệm liên quan đến ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh, thì việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết. Những quy định về nội dung này trong dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) góp phần bảo đảm quyền của nhà đầu tư trong việc tiếp cận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cũng như đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang, nêu ý kiến: "Dự thảo luật quy định rõ hơn việc thực hiện chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi phải đảm bảo tính ổn định vĩ mô. Sự ổn định, minh bạch còn có ý nghĩa rất quan trọng và tránh chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần sự phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư có chọn lọc, mức đầu tư giữa các vùng miền không nên có sự cào bằng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án mới ở các địa phương nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ."
Bảo đảm các cam kết hội nhập
Những quy định về ưu đãi đầu tư trong dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) được xây dựng dựa trên tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài các Danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Việc bổ sung quy định này giúp nâng cao tính khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định có cách tiếp cận khác nhau về mở cửa thị trường.
Để đơn giản hóa thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Dự thảo Luật bổ sung một số nội dung như không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; sửa đổi quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài...
Đánh giá chung về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi), ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: "Dự án luật thể hiện tinh thần và quyết tâm của Chính phủ trong việc xóa bỏi mọi rào cản mà ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Tôi mong muốn rằng việc sửa đổi luật tạo ra cú hích hay sự phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tốt hơn".
Nếu như sự ra đời của Luật Đầu tư (năm 2015) được đánh giá là chứa đựng nhiều tinh thần cải cách, thì dự án Luật đầu tư (sửa đổi) nếu được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với các yêu cầu hội nhập, thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế và tạo sức hút cho môi trường đầu tư.