(VOV5) - Dự án Luật đất đai sửa đổi là 1 trong 4 nội dung nổi bật, quan trọng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII đang diễn ra tại Hà Nội. Dự kiến dự luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 29/11 thay thế cho Luật đất đai năm 2003 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai cũng như giải quyết các vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực này.
Quốc hội dành 3 kỳ họp để thảo luận Dự án Luật đất đai sửa đổi
Dự án Luật đất đai sửa đổi là dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt, là dự án luật rất khó, với tầm bao phủ rộng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống của mọi người dân. Chính vì vậy, mà sau 2 lần thảo luận tại Quốc hội (kỳ họp thứ 4 và thứ 5, Quốc hội khoá XIII) và một lần lấy ý kiến toàn dân, Quốc hội vẫn chưa thông qua dự án Luật này theo quy trình thông thường mà dành thêm một lần thảo luận nữa tại kỳ họp thứ 6.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, dự thảo Luật đã được xây dựng qua quá trình hết sức công phu, khoa học và trách nhiệm. Đồng tình với nhận định này, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: Dự án Luật đất đai (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị. Đây là một đạo luật nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Quốc hội đã dành 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện dự thảo Luật.
Luật đất đai được sửa đổi kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia và nhân dân
Về nội dung, dự thảo luật đất đai sửa đổi đã khá cơ bản, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn như: sở hữu đất đai, quyền của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu về đất đai; quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Các quy định về quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai nói chung, từng loại đất nói riêng; đổi mới, nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Thời hạn và hạn mức giao đất đối với từng loại đất. Sửa đổi quy định chính sách tài chính về đất đai, về giá đất, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Sửa đổi quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Luật Đất đai lần này có nhiều điểm mới, đặc biệt là liên quan đến chính sách thu hồi đất, chính sách đền bù, giá đất…. Đây là một loạt vấn đề mới. Những vấn đề này được thống nhất trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân. Thời gian trước, chúng ta thu hồi đất cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế đất nước trong những năm vừa qua. Nhưng bên cạnh đó có nhiều tồn tại, liên quan đến lợi ích người dân, gây ra tình trạng khiếu kiện. Những tồn tại này trong luật mới sẽ được khắc phục. Lần này việc thu hồi đất được quy định rất chặt chẽ.
Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở pháp lý để triển khai Luật
Cùng với việc chỉnh sửa về nội dung, các điều kiện pháp lý để Luật đất đai sửa đổi được triển khai thuận lợi cũng đã sẵn sàng khi dự án Luật được Quốc hội thông qua. Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương. Đến nay, cơ quan chức năng đã chuyển cho đại biểu Quốc hội 5 dự thảo Nghị định, trong đó có một Nghị định riêng về giá đất. Những văn bản này tuy cần thời gian để sửa đổi nhưng khoảng nửa năm nữa sẽ hoàn thành, kèm theo đó là các Thông tư của Bộ, liên Bộ.
Đất đai là vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm. Kết quả tổng kết gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2003 đã chỉ ra những tồn tại, bất cập của hệ thống pháp luật về đất đai đồng thời, thống kê cũng cho thấy 70- 80% đơn khiếu kiện, tố cáo trong thời gian qua liên quan tới lĩnh vực này. Vì vậy, việc Quốc hội thảo luận kỹ dự án Luật đất đai sửa đổi là việc làm cần thiết, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn để giải quyết những vướng mắc hiện nay, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế./.