(VOV5)- Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế diễn ra ở thủ đô Cairo (Ai Cập) ngày 12/10 quyên góp được 5,4 tỷ USD cho công cuộc tái thiết Gaza. Các nhà tài trợ cũng cam kết sẽ giải ngân các khoản viện trợ sớm nhất có thể. Đây có thể coi là sự thành công về huy động nguồn vốn để giúp người Palestine ở Gaza khôi phục cuộc sống và vực dậy nền kinh tế nhưng xét trên bình diện chung dư luận vẫn lo ngại về hiệu quả thực sự của công cuộc tái thiết này khi còn nhiều thách thức.
|
Gaza hoang tàn sau những cuộc không kích. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Dải Gaza bị tàn phá nặng nề sau chiến dịch 50 ngày của Israel mang tên Bảo vệ biên giới hồi tháng 7 và 8 vừa qua. Hơn 2 nghìn người thiệt mạng và hơn 100 nghìn người mất nhà cửa. Số người thất nghiệp tăng vọt. Nạn đói diễn ra mọi nơi do sản xuất đình đốn trong khi nguồn cung lương thực, thực phẩm không ổn định.
Trong số 5,4 tỷ USD viện trợ, Qatar cam kết đóng góp 1 tỷ USD. Liên minh Châu Âu tuyên bố chi ra 568 triệu USD. UAE và Kuwait mỗi nước ủng hộ 200 triệu USD. Hoa Kỳ quyết định tài trợ 212 triệu USD.
Khởi động các hoạt động tái thiết
Hai ngày sau Hội nghị, (14/10), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tới Dải Gaza để khởi động quá trình tái thiết vùng duyên hải này dưới sự giám sát của LHQ. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh LHQ ủng hộ nhân dân Palestine trong công cuộc phát triển kinh tế và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn đồng thời thông báo chuyến tàu chở vật liệu xây dựng đầu tiên vừa được phép vào Dải Gaza. Trong thời gian thăm Dải Gaza, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng gặp các thành viên Nội các Palestine và dự kiến công bố khởi động quá trình tái thiết Dải Gaza.
Trước đó, Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende, đồng chủ trì Hội nghị tái thiết Gaza với Ai Cập, thông báo một nửa số tiền tài trợ được sử dụng cho việc tái thiết dải đất ven biển. Số tiền còn lại nhiều khả năng sẽ được dùng để hỗ trợ ngân sách, thúc đẩy hoạt động kinh tế, cứu trợ khẩn cấp và các dự án khác.
Khoảng cách giữa công cuộc tái thiết và hiện thực
Trong khi các nước cam kết cung cấp viện trợ để giúp xây dựng lại nhà cửa và giảm bớt khó khăn của người dân ở Gaza, sự vắng mặt của một giải pháp chính trị bền vững cho cuộc xung đột thường xuyên giữa Hamas và Israel vẫn chưa đạt được. Đây được coi là thách thức lớn nhất đối với quá trình tái thiết Gaza. Tất cả những nhà tài trợ đều thừa nhận những nỗ lực của họ sẽ là vô ích nếu không có một nền hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Do đó, cùng với cam kết tài chính hào phóng cho công cuộc tái thiết Gaza, Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình đàm phán Palestine - Israel nhằm tiến tới thỏa thuận hòa bình lâu dài cho cuộc xung đột. Cùng chung lo ngại như vậy nên chỉ 1 ngày sau Hội nghị, ngày 13/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi Israel và Palestine khôi phục tiến trình hòa đàm giữa hai bên vốn đang tiến triển chậm chạp trong thời gian qua; đồng thời cảnh báo tình trạng bạo lực có thể tái diễn nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận về vấn đề này.
Cùng với thách thức đó, dư luận cũng bày tỏ lo ngại về khả năng không nhận được đủ các cam kết hỗ trợ tài chính vì thực tế đây không phải là Hội nghị quốc tế tái thiết Gaza đầu tiên. Đến nay, nhiều nhà tài trợ thấy mệt mỏi với các hoạt động xây lên rồi lại bị phá đi tại dải đất này. Các nước nhận thấy những dự án cơ sở hạ tầng mà họ đã đóng góp tiển của cho Gaza sau các cuộc xung đột trước đó, lại tiếp tục bị phá hủy. Vì vậy, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ ngày 6/8 vừa qua, Tổng thư ký Ban ki - moon từng tuyên bố LHQ sẵn sàng giúp tái thiết Dải Gaza nhưng đây sẽ là lần cuối cùng. Ông Ban Ki Mun cũng cảnh báo sự kiên nhẫn của thế giới với cả Israel và Palestine đang bị thách thức và kêu gọi các bên hướng tới hòa bình lâu dài. Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế Palestine về Nghiên cứu và Phát triển cho biết kinh nghiệm trong 20 năm phát triển và xây dựng các vùng lãnh thổ Palestine cho thấy việc rót vốn của các quỹ tài trợ thường rất chậm và là quá trình lâu dài.
Công cuộc tái thiết Gaza còn gặp trở ngại khi bất kỳ nỗ lực tái thiết nào cũng bị hạn chế từ lệnh phong tỏa của Israel, vốn áp đặt kể từ khi nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas nắm quyền vào năm 2007. Israel hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại, lưu thông đối với người và hàng hóa tại biên giới Gaza, đặc biệt là việc nhập khẩu xi măng và vật liệu xây dựng vì lo sợ rằng các chiến binh sẽ sử dụng chúng để xây dựng bệ phóng tên lửa và củng cố đường hầm xuyên biên giới. Trước khó khăn này, Ủy ban Kinh tế Palestine về Nghiên cứu và Phát triển ước tính công cuộc tái thiết Dải Gaza phải mất đến 5 năm để hoàn tất nếu như Israel dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa Dải Gaza. Thậm chí, Oxfam, một liên minh của 15 tổ chức làm việc tại 98 quốc gia để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công, đánh giá rằng nếu những lệnh phong tỏa của Israel không được dỡ bỏ, có thể phải mất hơn 50 năm để xây dựng 89.000 ngôi nhà mới, hơn 200 trường học mới cũng như các cơ sở y tế, các nhà máy và cơ sở hạ tầng mà người dân ở Gaza cần.
Khoản tiền tài trợ của quốc tế có thể sẽ giúp người dân Gaza vượt qua một phần khó khăn hiện tại nhưng nó không thể mang lại một cuộc sống bình yên và ổn định khi mà thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, chấm dứt phong tỏa giữa Israel và Palestine chưa đạt được. Dự kiến vòng đàm phán gián mới giữa Israel và Palestine về việc tìm kiếm hòa bình lâu dài cho Gaza sẽ được tiến hành vào cuối tháng 10 tới, tại Cairo. Tuy nhiên việc đạt được bước tiến mới tại vòng đàm phán này có vẻ không dễ thực hiện khi 2 bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng./.