(VOV5) - Theo các nhận định chung, mức độ thiệt hại của động đất là rất lớn và công cuộc tái thiết chắc chắn sẽ kéo dài nhiều năm.
Cùng với công tác cứu hộ và đảm bảo cuộc sống cho những người sống sót sau trận động đất xảy ra hôm 6/2 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhà chức trách nước này đang tích cực lên kế hoạch cho công cuộc tái thiết sau thảm họa. Tuy nhiên, đây được cho là nhiệm vụ nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của không chỉ hai quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng là Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria, mà của cả cộng đồng quốc tế.
Ngày 19/2, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố chấm dứt hoạt động tìm kiếm tại hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng để bắt đầu tái thiết. Ảnh: PV/VOV-Cairo |
Hai tuần sau trận động đất mạnh nhất trong vòng một thế kỷ tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài số thương vong về người đã thống kê được, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng như các tổ chức quốc tế vẫn chưa đưa ra được đánh giá cuối cùng về mức độ thiệt hại kinh tế mà thảm họa gây ra đối với cả hai nước. Tuy nhiên, theo các nhận định chung, mức độ thiệt hại là rất lớn và công cuộc tái thiết chắc chắn sẽ kéo dài nhiều năm, tiêu tốn lượng tài chính khổng lồ vượt quá khả năng hiện có của cả hai quốc gia bị ảnh hưởng.
Công cuộc tái thiết đầy thách thức
Theo đánh giá sơ bộ, tại Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất khiến khoảng 345.000 căn hộ chung cư ở 11 tỉnh, thành phố bị phá hủy, 105.000 tòa nhà đổ sập hoặc bị hại nghiêm trọng. Ngoài ra, hàng nghìn km đường sá và hàng trăm công trình hạ tầng về điện, nước sinh hoạt, viễn thông, thủy lợi…bị phá hủy hoặc hư hại. Liên đoàn Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ ước tính trận động đất khiến nước này thiệt hại tới 84,1 tỷ USD, trong đó 70,8 tỷ USD là thiệt hại về nhà cửa, 10,4 tỷ USD thiệt hại do mất thu nhập quốc gia và 2,9 tỷ USD thiệt hại do mất ngày làm việc.
Một số tổ chức quốc tế cũng nhận định thiệt hại vật chất do động đất gây ra tại Thổ Nhĩ Kỳ lên tới hàng chục tỷ USD, cao gấp nhiều lần thiệt hại gây ra tại Syria. Trong đó, Ngân hàng JPMorgan của Mỹ ước tính thiệt hại trực tiếp đối với các hạ tầng bị phá hủy ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên đến 25 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP nước này. Ankara có thể mất từ 3-5 năm để khắc phục hậu quả và hoàn thành công cuộc tái thiết. Nhưng với Syria, điều kiện kinh tế khó khăn cùng thực trạng chiến sự phức tạp hiện nay sẽ khiến quá trình tái thiết gặp nhiều trở ngại, có thể kéo dài cả chục năm trời.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cảm ơn những nỗ lực hỗ trợ nhiệt tình của đoàn công tác Việt Nam. Ảnh: PV/VOV-Cairo |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại công cuộc tái thiết ở cả Thổ Nhì Kỳ và Syria có thể tiêu tốn nhiều tiền bạc và thời gian hơn dự báo. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế quốc gia vẫn chưa thực sự thoát khỏi tác động của cuộc khủng hoảng lạm phát nghiêm trọng kéo dài nhiều tháng qua, trong khi bối cảnh chính trị cũng đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc Ankara có thể huy động đủ nguồn lực cần thiết cho việc bắt tay xây dựng 30.000 tòa nhà dân cư từ đầu tháng 3 tới đây, như tuyên bố hôm 14/2 của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, là một thách thức rất lớn. Đó là chưa kể tới việc nước này còn phải dành nguồn lực cho công tác cứu trợ khẩn cấp hơn 100.000 người bị thương cùng hàng triệu cư dân khác đang trong tình cảnh “màn trời chiếu đất”.
Với Syria, thực trạng còn đáng lo ngại hơn khi ngân khố quốc gia đã cạn kiệt sau hơn một thập niên nội chiến, đồng thời đang phải “chịu trận” nhiều lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây.
Cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế
Có thể thấy rằng thách thức với công cuộc tái thiết, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế tính đến ngay sau khi thảm họa xảy ra. Bởi thế, chỉ 3 ngày sau động đất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khởi động tiến trình hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khoản cứu trợ và phục hồi tài chính trị giá 1,78 tỷ USD. Bên cạnh đó, hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam và một số định chế tài chính quốc tế, cũng đã sớm công bố các gói hỗ trợ với quy mô khác nhau để giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thực hiện công cuộc tái thiết, khắc phục hậu quả động đất. Mới nhất, ngày 19/2, chính quyền Mỹ công bố gói viện trợ tiếp theo trị giá 100 triệu USD giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất và tái thiết đất nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và tổ chức quốc tế, với quy mô thảm họa quá lớn, công cuộc tái thiết và khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần nhận được những cam kết mạnh mẽ và hào phóng hơn nữa từ cộng động quốc tế, đặc biệt là từ các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… cùng các quốc gia giàu có. Theo đó, cần sớm tổ chức các hội nghị quốc tế và khu vực về tái thiết sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, với sự tham gia rộng rãi của các quốc gia giàu có và các định chế tài chính lớn. Riêng với Syria, cộng đồng quốc tế cần sớm tìm kiếm giải pháp thỏa đáng chấm dứt cuộc nội chiến, đồng thời gây sức ép để phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hà khắc chống nước này.
Đặc biệt, trong công cuộc tái thiết, cần ưu tiên giải pháp hỗ trợ hiệu quả về sinh kế cho hàng chục triệu cư dân chịu tác động của động đất ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Theo đó, trước mắt, cần dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác cứu trợ nhân đạo với các cư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Trong nỗ lực này, ngày 16/2, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterre phát động chiến dịch quyên góp một tỷ USD để giúp các nạn nhân và những người chịu tác động của động đất. Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ quốc tế kêu gọi viện trợ khẩn cấp hơn 700 triệu USD để hỗ trợ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.