Tạm ngừng viện trợ cho người dân ở dải Gaza: Quyết định gây nhiều quan ngại

(VOV5) - Các cáo buộc từ phía Israel ngay lập tức gây ra tranh cãi lớn trong cộng đồng quốc tế.

Một loạt quốc gia phương Tây trong những ngày qua quyết định tạm ngưng tài trợ cho Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hiệp quốc (UNRWA), gây quan ngại sâu sắc về nguy cơ cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza trở nên trầm trọng hơn.

Hôm 29/01, Bộ Ngoại giao Áo thông báo tạm ngưng tất cả các khoản tài trợ của nước này cho UNRWA. Đây là quốc gia mới nhất gia nhập danh sách ít nhất 9 quốc gia, trong đó có các nhà tài trợ lớn, như: Mỹ, Đức, Italy… ngừng viện trợ cho UNRWA.

Cáo buộc từ phía Israel

Việc nhiều nước phương Tây tạm ngưng tài trợ cho UNRWA diễn ra sau khi chính quyền Israel tuần trước công bố thông tin cáo buộc một số nhân viên của UNRWA có liên quan đến cuộc tấn công của lực lượng Hamas khiến hơn 1.200 dân thường và binh sĩ Israel thiệt mạng hôm 7/10 năm ngoái, sự kiện mở đầu cho cuộc xung đột khốc liệt hiện nay tại dải Gaza. Cùng với việc công bố thông tin, Ngoại trưởng Israel, Israel Katz, kêu gọi thay thế UNRWA bằng các cơ quan khác chuyên trách về hòa bình và phát triển, đồng thời thúc giục các quốc gia đồng minh của Israel tạm ngưng tài trợ cho UNRWA.

Các cáo buộc từ phía Israel ngay lập tức gây ra tranh cãi lớn trong cộng đồng quốc tế. Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel, kêu gọi tiến hành cuộc điều tra toàn diện, đồng thời cho biết không loại trừ việc áp dụng các biện pháp bổ sung, bên cạnh việc tạm ngưng tài trợ cho UNRWA, tùy thuộc vào kết quả của cuộc điều tra. Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, John Kirby tuyên bố: Chúng tôi muốn cuộc điều tra này được tiến hành một cách đầy đủ, sâu rộng và minh bạch. Và nếu như cuộc điều tra xác định được có những người phải chịu trách nhiệm thì chúng tôi cũng muốn thấy điều đó”.

Tạm ngừng viện trợ cho người dân ở dải Gaza: Quyết định gây nhiều quan ngại - ảnh 1Người dân chờ nhận viện trợ từ Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) ở Cận Đông trong thời gian đình chiến tạm thời giữa Hamas và Israel, tại Khan Younis ở phía nam Dải Gaza, ngày 29/11/2023. Ảnh: Reuters

Chung quan điểm với Mỹ, một nhà tài trợ lớn khác cho UNRWA là Đức cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những cáo buộc nhằm vào các nhân viên của cơ quan này, đồng thời hoan nghênh cuộc điều tra của UNRWA. Tuy nhiên, Đức cùng một số quốc gia khác để ngỏ khả năng nối lại viện trợ sau khi chính UNRWA kêu gọi điều tra. Trong khi đó, dù không phản đối việc mở cuộc điều tra quốc tế độc lập và minh bạch, nhưng nhiều quốc gia Arab tỏ thái độ bất bình trước mức độ phản ứng của các nước phương Tây và việc các nước này sớm ngưng viện trợ cho UNRWA. Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry, cho biết:“Thực sự là chúng tôi ngạc nhiên bởi các quyết định đưa ra liên quan đến UNRWA và các phát biểu hùng hồn được sử dụng để cáo buộc các nhân viên UNRWA. Các phát biểu tương tự không được sử dụng để nói về việc đã có hơn 26 ngàn thường dân vô tội tại Gaza thiệt mạng, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng thân Faisal bin Farhan, thì cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan đến UNRWA không che giấu được thực tế là trước đó luật nhân đạo quốc tế đã không được thực thi một cách đầy đủ tại dải Gaza. Vì thế, Saudi Arabia kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết tình thế hiện nay liên quan đến UNRWA.

Nguy cơ nạn đói tại Gaza thêm trầm trọng

Các cáo buộc nhằm vào UNRWA đang khiến giới quan sát lo ngại nạn đói tại dải Gaza sẽ càng thêm trầm trọng. Jan Egeland, Tổng thư ký Hội đồng tị nạn Na Uy, cho rằng trẻ em tại dải Gaza sẽ là nạn nhân lớn nhất của các tranh cãi hiện nay, đồng thời kêu gọi các quốc gia không đẩy trẻ em tại Gaza vào nạn đói chỉ vì tội lỗi của một số người.

Tạm ngừng viện trợ cho người dân ở dải Gaza: Quyết định gây nhiều quan ngại - ảnh 2Người tị nạn Palestine nhận lương thực cứu trợ từ UNRWA ở dải Gaza ngày 28/1/2024. Ảnh: AFP

Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, cho rằng việc các quốc gia ngừng tài trợ là “hình phạt tập thể” mới nhằm vào cư dân ở dải Gaza và đe dọa hoạt động cứu trợ nhân đạo của cơ quan này tại khu vực. Chia sẻ quan điểm này, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, khẳng định ngay sau cáo buộc mà Israel đưa ra, UNRWA đã xác định được 9/12 người được cho là có liên quan và đã lập tức sa thải những người này. Trong 3 người còn lại, 1 người đã thiệt mạng còn 2 người khác chưa rõ tung tích. Người đứng đầu LHQ khẳng định LHQ quyết tâm điều tra vụ việc đến cùng nhưng cũng cho rằng việc ngưng viện trợ cho UNRWA sẽ đẩy hơn 2 triệu dân Gaza cùng hàng chục ngàn nhân viên UNRWA vào hiểm nguy. Thủ tướng Palestine, Mohammad Shtayyeh cũng nhấn mạnh việc cần chờ kết quả của cuộc điều tra và kêu gọi các nước nhanh chóng nối lại viện trợ:Việc ngưng tài trợ diễn ra trong một thời điểm vô cùng khó khăn, khi mà Tòa công lý quốc tế vừa ra lời kêu gọi cần đẩy mạnh ngay lập tức việc cung cấp viện trợ quốc tế cho dải Gaza và UNRWA phụ trách việc cứu trợ 1,7 triệu người dân Palestine ở Gaza”.

Theo các số liệu của UNRWA, các quốc gia vừa quyết định ngưng tài trợ cho cơ quan này đóng góp đến 70% ngân sách hoạt động của UNRWA trong năm vừa qua. Do đó, việc các quốc gia này ngưng đóng góp có thể đẩy cơ quan này vào tình trạng sụp đổ bất kỳ lúc nào. Kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng nổ ngày 7/10 năm ngoái, UNRWA giúp đỡ khoảng 2/3 trong số 2,3 triệu cư dân của Gaza  và đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực cung cấp viện trợ tại lãnh thổ này. Trong lúc này, theo số liệu được Chương trình lương thực LHQ (WFP) công bố hôm 23/01, hơn 500 ngàn người tại Gaza đang đối mặt tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và nguy cơ nạn đói gia tăng từng ngày.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác