(VOV5) - Giao lưu là cơ hội tốt để các nước tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển.
Chương trình giao lưu "Biên cương thắm tình hữu nghị" lần thứ 3 vừa kết thúc tại Hà Nội với sự tham dự của ba nước có chung đường biên giới với Việt Nam gồm Trung Quốc, Lào và Campuchia, sự tham gia lần đầu tiên của các đại biểu đến từ Myanmar và Thái Lan. Chương trình đã để lại những dấu ấn tốt đẹp, tạo tiền đề xây dựng và bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia, vì hòa bình, ổn định của khu vực biên giới.
Các đại biểu giao lưu trong chương trình
|
Đối ngoại quốc phòng, trong đó có công tác đối ngoại, giao lưu biên giới, là một mặt công tác quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
Khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam
Được tổ chức 2 năm 1 lần, Chương trình giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ 3 năm 2018 một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, vì chủ quyền an ninh biên giới và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước. Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính uỷ Bộ đội biên phòng Việt Nam khẳng định: "Chương trình nhằm tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vấn đề thứ hai là phản ánh các hoạt động phối hợp giữa lực lượng biên phòng Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới cửa khẩu ở các nước láng giềng, cùng nhau duy trì thực hiện nghiêm túc các hiệp định, quy chế quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu, quản lý bảo vệ đường biên, mốc quốc giới và trong đấu tranh các loại tội phạm, trong phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn…Và đồng thời phản ánh hiệu quả của các mô hình kết nghĩa đồn trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa, biên giới bình yên, hướng tới mục tiêu xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác vì hạnh phúc của nhân dân khu vực biên giới".
Thực tế, qua 2 lần tổ chức từ năm 2014, các đơn vị Bộ đội biên phòng Việt Nam đã tiến hành hàng ngàn cuộc hội đàm, gặp gỡ, tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới 3 nước (Trung Quốc, Lào, Campuchia) để trao đổi thông tin, cùng duy trì thực hiện nghiêm túc các hiệp ước, hiệp định, quy chế về biên giới và cửa khẩu; quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp phòng chống cháy rừng, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường, cứu hộ, cứu nạn.
Đặc biệt mô hình tổ chức kết nghĩa giữa các đồn biên phòng của Việt Nam với các đồn, trạm của lực lượng bảo vệ biên giới 3 nước, để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, hỗ trợ vật tư trang bị công tác, giúp đỡ vật chất nâng cao đời sống đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, đã có nhiều cặp đồn, trạm biên giới tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế và bảo vệ trật tự an toàn biên giới.
Đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Dòng sông Mekong huyền thoại là mạch nguồn gắn bó 6 quốc gia trải dài theo lưu vực sông qua bao thế hệ. Một khu vực trù phú, giàu tiềm năng, đang vươn mình phát triển trở thành điểm kết nối giữa các nền kinh tế lớn của châu Á và thế giới. Để có được điều đó, cần có sự nỗ lực của tất các quốc gia trong quá trình hội nhập chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức chung, trong đó, vấn đề biên giới. Cùng với sự chuyển mình, hội nhập mạnh mẽ của khu vực các nước tiểu vùng, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy thực hiện các sáng kiến chung của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng như: ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới nhằm khai thác hợp lý và khoa học tài nguyên đất nước, nâng cao trình độ nhân lực để đáp ứng được sự chuyển động nhanh chóng của kinh tế khu vực và thế giới. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam khẳng định: "Ở tại 155 cảng biển và hàng chục khu kinh tế, khu chế xuất, chúng tôi đã tiến hành cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho người, các phương tiện ra vào các khu vực biên giới, cửa khẩu được thuận lợi, tham gia tích cực vào một cửa quốc gia và một cửa ASEAN để triển khai theo đúng tinh thần Tuyên bố chung thượng đỉnh GMS lần 6 tổ chức cuối tháng 3 vừa qua".
Một kỷ nguyên phát triển bền vững của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là mong muốn của tất cả các quốc gia trong khu vực và sự bình yên nơi biên giới là vô cùng quan trọng. Bởi, có hợp tác sẽ hiểu nhau hơn, chia sẻ và tin cậy nhau hơn…Việc quân đội, công an, lực lượng bảo vệ biên giới, dân cư hai bên biên giới kết nghĩa với nhau là yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển. Giao lưu là cơ hội tốt để các nước tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển.