(VOV5)- Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư để tái cơ cấu toàn diện.
Những năm gần đây, nhiều tập đoàn trong nước đang chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp; cùng với đó là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ để các doanh nghiệp có cơ hội tham gia nhiều hơn vào phát triển nông nghiệp. Đây là những tín hiệu vui đối với quá trình phát triển nông nghiệp của đất nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong 2 năm 2014, 2015, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết số nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 và đang bước vào giai đoạn triển khai quyết liệt. Trọng tâm của đề án là hướng vào lực lượng doanh nghiệp để nhằm thay đổi cơ cấu và phương thức sản xuất của toàn ngành. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Ảnh: VGP/Công Việt
Tín hiệu tích cực từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp dành cho nông nghiệp
Việt Nam cũng như nhiều nước ASEAN khác chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự đầu tư của các doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành.
Chính phủ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư của tư nhân trong nước vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng từ con số gần 2.400 doanh nghiệp trong năm 2007 lên hơn 3.630 doanh nghiệp năm 2013, tạo việc làm cho 265 nghìn lao động. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư thành công với việc ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như Vinamilk, Minh Phú, TH Truemilk, Hoàng Anh Gia Lai… Hiện cũng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Vingroup, Himlam, Viettel, FLC… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 2 cuộc cách mạng của nông nghiệp, nông thôn. Để thực hiện 2 chương trình này cần sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương, trong đó Nhà nước giữ vai trò là người kiến tạo, nông dân là chủ thể và doanh nghiệp có vai trò nòng cốt quan trọng."
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Tại Hội nghị "Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn" diễn ra ngày 28/06, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để tiếp tục phát huy những thế mạnh của nông nghiệp, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông nông thôn… đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp:"Khi tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp có thể phát huy được khả năng sáng tạo trong sản xuất. Chúng ta phải có cơ chế để phát huy hết năng lực này. Phải phát huy vai trò liên kết của các Hiệp hội ngành hàng đặc biệt là sự liên kết của bản thân doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng trong nông nghiệp cần thúc đẩy phong trào này."
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực triển khai thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ”. Đến nay, ngành đã xây dựng và ban hành 12 Đề án và Kế hoạch cụ thể hóa định hướng và giải pháp tái cơ cấu trong các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến, thủy lợi…. Hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp là các Tập đoàn lớn, công ty liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trên diện tích 400 nghìn ha.
Để nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và bền vững, bên cạnh vai trò chủ đạo của nông dân, cần có sự tham gia tích cực của đội ngũ doanh nhân. Với sự góp sức, đầu tư của các doanh nghiệp và nông nghiệp thì các khó khăn, vướng mắc về vốn, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, năng lực cạnh tranh trên thị trường nông nghiệp của Việt Nam sẽ được tháo gỡ. Việc Chính phủ khẳng định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sẽ mang lại nguồn đầu tư lớn để phát triển nông nghiệp Việt Nam./.