(VOV5) - Để có một nền kinh tế đủ sức tham gia vào các chuỗi giá trị của khu vực và thế giới, các thành phần kinh tế cần có sự phát triển đồng đều.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế biến và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. FDI cũng đã hiện diện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, kể cả những ngành mà doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư.
Liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI là cần thiết
Tại Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp FDI nhận được những ưu đãi lớn như: ưu đãi trong tiếp cận đất đai, ưu đãi về thuế… Với tiềm lực mạnh hơn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỉ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, một thực trạng tồn tại là các doanh nghiêp tư nhân Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu; đặc biệt, rất khó có thể tham gia vào các khâu sản xuất của doanh nghiệp FDI. Những hạn chế của doanh nghiệp trong nước liên quan tới marketing hay thông tin kết nối cung cầu yếu, chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là những nguyên nhân chính của hiện tượng trên. Trong khi các doanh nghiệp FDI lớn mạnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh thì các doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô gần như không thay đổi. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng:"Có 4 chủ thể: Vai trò của Nhà nước với tư cách là bà đỡ tạo khung khổ, môi trường, tạo điều kiện; Vai trò của bà mối là các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước có thể liên kết với nhau. Thứ 3 và thứ 4 là các chủ thể FDI và các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nếu 4 chủ thể này hoạt động hài hòa, nhịp nhàng thì liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ được tăng cường. Các doanh nghiệp FDI hợp tác với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là giải pháp để đảm bảo phát triển bền vững của các FDI trong nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài của các FDI cũng như đảm bảo sự vươn lên của các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam".
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cùng phát triển
Vừa qua, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2017, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra những giải pháp để tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cũng như để 2 khu vực doanh nghiệp này phát triển đồng đều. Ông Hiro Sagara, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017, cho rằng: -băng tiếng Anh- V6 19/06 TSCT HIRO
"Về phía Việt Nam, cần đơn giản hóa các quy định của pháp luật, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ, cần giúp họ triển khai những công việc và thủ tục một cách nhanh chóng hơn. Cần thực hiện nhanh các công việc, quy định, thủ tục để đơn giản hóa các quy định pháp luật và cần làm cho mọi chuyện thật minh bạch, rõ ràng thì Việt Nam mới có thể tăng cường thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như tăng cường được mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước."
|
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ Việt Nam coi FDI là 1 bộ phận hữu cơ rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp FDI vào đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam, coi thành công của các doanh nghiệp FDI là thành công của Chính phủ và nhân dân Việt Nam: "Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nuớc, FDI, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể... Chính phủ Việt Nam xây dựng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Chính phủ sẽ ưu tiên chọn lọc những doanh nghiệp FDI đầu tư kinh doanh vào Việt Nam phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, ưu tiên các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có quản trị tốt và sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam".
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ còn vai trò trung tâm phải là các doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp nước ngoài tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam liên kết, cùng tham gia vào chuỗi giá trị của mình, có như vậy, các nền kinh tế mới có thể cùng nhau phát triển lâu dài và bền vững.