(VOV5) - Đến 4h sáng ngày 10/2, trận động đất có cường độ mạnh nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một thế kỷ qua đã cướp đi mạng sống của hơn 21.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Cùng với nỗ lực của các lực lượng tại chỗ, những ngày qua, cộng đồng quốc tế liên tục tăng cường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiến hành công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả nặng nề của trận động đất hôm 6/2. Sự chung tay, chung sức của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, không chỉ giúp giành lại sự sống cho nhiều nạn nhân, mà còn giúp đảm bảo một cuộc sống ổn định hơn cho hàng triệu cư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Trận động đất, độ lớn 7,8, có tâm chấn tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2 đã phá hủy nhiều thành phố lớn ở nước này và quốc gia láng giềng Syria, cướp đi mạng sống của hàng chục nghìn người, khiến hàng chục nghìn người khác bị thương và đẩy hàng triệu cư dân tại các khu vực bị ảnh hưởng vào cảnh "màn trời chiếu đất" trong thời tiết lạnh giá của mùa Đông.
Động đất gây thiệt hại nặng nề
Theo thông tin cập nhật của một số nguồn tin quốc tế tin cậy: đến khoảng 4h sáng ngày 10/2, trận động đất có cường độ mạnh nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một thế kỷ qua đã cướp đi mạng sống của hơn 21.000 người ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong đó, số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ lên tới gần 18.000 người, cùng hàng chục nghìn người khác bị thương.
Lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên tìm kiếm các nạn nhân và người sống sót mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất mạnh ở làng Besnia, gần thị trấn Harim, tỉnh Idlib (Syria), giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-2-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đáng lo ngại hơn, vẫn còn hàng nghìn nạn nhân được cho là còn bị mắc kẹt hoặc bị vùi lấp trong các đống đổ nát do động đất gây ra. Trong khi đó, thời tiết giá lạnh của mùa Đông tiếp tục duy trì tại các khu vực chịu ảnh hưởng, khiến công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại, đồng thời đe dọa khả năng sống sót của những người bị thương còn bị mắc kẹt trong các đống đổ nát. Bởi vậy, khả năng con số thương vong sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Không chỉ có vậy, hàng triệu nạn nhân khác của động đất đang đối mặt với tình trạng sống vô cùng khó khăn: không có nơi ở đủ ấm giữa thời tiết giá lạnh và thiếu thốn lương thực, thuốc men trầm trọng. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 6.500 tòa nhà ở nước này đã bị san phẳng, 13,5 triệu người tại khu vực trải dài 450 km từ Adana ở phía Tây đến Diyarbakir ở phía Đông bị ảnh hưởng. Ankara đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng với 10 tỉnh để đẩy nhanh các nỗ lực ứng phó.
Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch ngày 9/2 cho rằng trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây thiệt hại kinh tế hơn 4 tỷ USD. Trong khi đó, một số nguồn tin nhận định hai quốc gia Trung Đông này phải cần tới nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, mới có thể khắc phục được hậu quả thảm họa.
Tăng cường nỗ lực cứu hộ và trợ giúp quốc tế
Ngay khi động đất xảy ra, đáp lại lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, các quốc gia và tổ chức quốc tế, đứng đầu là Liên hợp quốc, đã liên tiếp tăng cường và đẩy mạnh nỗ lực cứu hộ, viện trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả động đất tại hai nước này.
Ngày 9/2, đoàn xe cứu trợ đầu tiên của Liên hợp quốc đã có mặt tại khu vực Tây Bắc Syria. Đoàn cứu trợ gồm 6 chiếc xe tải, đến Syria từ hướng Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, các máy bay chở hàng viện trợ từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Iran và nhiều quốc gia khác cũng đã tới các sân bay do Chính phủ Syria kiểm soát ở Damascus, Aleppo và Latakia.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đang thực hiện các bước đi cần thiết để cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản hỗ trợ và phục hồi tài chính trị giá 1,78 tỷ USD. Thông báo cho biết khoản hỗ trợ trị giá 780 triệu USD sẽ được gửi ngay lập tức cho Ankara, trong khi các khoản vay khác thuộc gói cứu trợ sẽ được chuyển sang hai dự án vay vốn của WB tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một người phát ngôn của WB cho biết một khoản viện trợ khác trị giá 1 tỷ USD để giúp Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi và tái thiết cũng đang được chuẩn bị.
Cùng ngày 9/2, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông báo sẽ cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 85 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Từ châu Âu, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ tăng thêm 26 triệu euro (28 triệu USD) tiền viện trợ nhân đạo cho Syria để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân sau trận động đất. Trước đó, Đức và nhiều quốc gia châu Âu cũng đã tuyên bố những gói hỗ trợ khẩn cấp hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất.
Song song với công tác viện trợ nhân đạo, nhiều quốc gia tiếp tục cử thêm các đội cứu hộ khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tham gia công tác cứu hộ. Từ Hà Nội, ngày 9/2, Bộ Công an Việt Nam phái cử đoàn cán bộ, chiến sĩ gồm 24 người sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân của thảm họa động đất. Trước đó, hàng chục quốc gia khu vực và thế giới cũng đã phái cử các đội cứu hộ khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngay sau khi động đất xảy ra.
Theo các chuyên gia quốc tế, với quy mô thảm họa quá lớn, sự chung tay nỗ lực của cộng đồng quốc tế với Thỗ Nhĩ Kỳ và Syria là cực kỳ cần thiết. Việc các quốc gia khắp thế giới vượt qua những khác biệt để chung sức cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không chỉ giúp mang lại hy vọng cứu sống nhiều nạn nhân trực tiếp của động đất, mà còn giúp đảm bảo một tương lai ổn định cho hàng triệu cư dân khác bị ảnh hưởng bởi thảam họa.