Tăng cường quan hệ Việt Nam-Kuwait

(VOV5)- Thủ tướng Nhà nước Kuwait Sheikh Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabad hôm nay bắt đầu thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, dầu khí, lao động, nông nghiệp, du lịch.


Cách đây hơn 40 năm, ngày 10/1/1976, Việt Nam và Kuwait thiết lập quan hệ ngoại giao. Kuwait là một trong những nước đầu tiên ở Trung Đông thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước. Kuwait cũng là nước đầu tiên trong số các nước Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) mở Đại sứ quán tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2007.


Quan hệ hợp tác hiệu quả

Việt Nam và Kuwait có điểm tương đồng, đó là là khát vọng độc lập, tự do và hòa bình. Nhân dân hai nước cùng đã trải qua cuộc đấu tranh gian khổ để đạt được mục đích cao quý của mình. Trong thời kỳ khó khăn, gian khổ, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ quý báu và tình đoàn kết mạnh mẽ của Chính phủ và nhân dân Kuwait. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ và tình cảm đó. Ngày nay, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước tiếp tục được phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo hai nước đã tiến hành những chuyến thăm hữu nghị lẫn nhau từ nhiều năm nay. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Kuwait Sheikh Nasser AlـMohammed Al-Jaber AlـSabah (tháng 5/2007) và chuyến thăm chính thức Kuwait tháng 3/2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh dấu một mốc mới trong lịch sử quan hệ hai nước.

Tăng cường quan hệ Việt Nam-Kuwait - ảnh 1
Thủ tướng Kuwait - Ảnh: TTXVN


Về mặt quan hệ kinh tế, hai nước đã có những bước phát triển tích cực. Quỹ Kuwait phát triển kinh tế Arab đã cấp vốn cho nhiều dự án phát triển ở Việt Nam ngay từ năm 1979. Thông qua Quỹ phát triển kinh tế Ả rập (KFEAD), đến nay Kuwait có 16 dự án ODA tài trợ các dự án phát triển về giao thông, y tế, giáo dục, thủy lợi…tại các khu vực nông thôn của Việt Nam, góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt, sản xuất dân cư khu vực dự án. Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Kuwait đều tăng, năm 2015 tăng 20% so với năm 2014. Việt Nam luôn đứng top 10 các nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Kuwait. Hợp đồng xây dựng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã được ký kết năm 2008 giữa PetroVietnam, Tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait và hai đối tác Nhật Bản. Nhà máy liên hợp dầu này được xây dựng ở Nghi Sơn (Thanh Hóa), có vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Dự án đã khởi công vào tháng 10/2013 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại cuối năm 2017. Tháng 3/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án liên doanh phân phối sản phẩm giữa Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI) và Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) để phân phối các sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam.


Về thương mại, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Kuwait các sản phẩm như quần áo, giày dép, hải sản, đồ gỗ, máy tính, đồ điện, rau quả, hạt tiêu, cà phê, chè… Việt Nam nhập chủ yếu xăng dầu, nhựa, hóa chất, phân bón, nguyên liệu da…Cùng với sự thành công trong hợp tác kinh tế, một số những phát triển tích cực khác cũng được ghi nhận trong quan hệ hai nước. Từ năm 1996, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Kuwait. Hiện có khoảng 600 lao động Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, dầu khí. Về giáo dục và đào tạo, hằng năm, Kuwait cung cấp học bổng ngôn ngữ và học bổng chuyên ngành dầu khí cho Việt Nam. Đến nay, đã có khoảng 16 sinh viên Việt Nam nhận học bổng học tiếng Arab tại Kuwait. Trên lĩnh vực du lịch, ngày càng có nhiều du khách Kuwait tìm đến Việt Nam trong các ngày nghỉ lễ, du lịch hàng năm, coi Việt Nam là điểm đến yêu thích. Việt Nam là nước thứ 37 mà công dân có thể nhận thị thực nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Kuwait. Hai bên cũng đã ký một số các hiệp định, thỏa thuận như: Hiệp định khung hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật; Hiệp định Thương mại; Hiệp định Vận chuyển hàng không; Nghị định thư Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; Nghị định thư về lập Ủy ban hỗn hợp; Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định Hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp; Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ... Đáng chú ý, tháng 2/2016, Chính phủ Kuwait đã chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.


Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thông

Trong hơn 40 năm qua, Việt Nam và Kuwait luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhà nước Kuwait Sheikh Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabad là dịp để hai bên trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Đón Thủ tướng Kuwait Sheikh Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabad cũng là dịp để Việt Nam thể hiện sự coi trọng vai trò, vị trí của Kuwait trong quan hệ hữu nghị hợp tác của Việt Nam  tại Trung Đông và vùng Vịnh. Chuyến thăm sẽ là dấu mốc mở ra một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác