(VOV5) - Việt Nam đặt mục tiêu gia tăng giá trị nông nghiệp đạt tối thiểu 3%/năm; năng suất lao động nông nghiệp tăng từ 3,5%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.
Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Việt Nam triển khai từ năm 2008.
Mục tiêu Nghị quyết là phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, xây dựng nông thôn mới có kết cấu kinh tế xã hội hiện đại và giai cấp nông dân đủ bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp Việt Nam được quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tái cơ cấu nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết này tiếp tục được Việt Nam triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
|
Cho đến năm 2017, an ninh lương thực của Việt Nam được đảm bảo vững chắc với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25% ; tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên 27,2%. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã tiến đến việc khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, với các mặt hàng như lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, trái cây nhiệt đới, góp phần tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%, quy mô gấp 1,25% lần năm 2008. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng với 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trình độ khoa học công nghệ nông nghiệp được đẩy mạnh, với 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo là 13,7%, tăng 5,5% so với 2008.
Tiếp tục đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi triển khai thực hiện Nghị quyết 26, giải pháp quan trọng làm thay đổi bức tranh kinh tế nông nghiệp, đạt được nhiều kết quả to lớn, trước hết và quan trọng nhất là đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thống nhất quan điểm trong toàn xã hội vì sự cần thiết phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay phải chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam đã được mở rộng, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tăng nhanh, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường 180 quốc gia và vùng lãnh thổ nên việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đòi hỏi phải có tầm nhìn xa hơn thời điểm 10 năm trước. Vì vậy, cần có thêm các cơ chế, chính sách mới để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khuyến khích để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại. Về điều này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Tiếp tục có bước gia tăng về tái cơ cấu nông nghiệp bằng cách rà soát lại từng ngành hàng để tập trung vào những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, những nhóm hàng hóa mà thế giới đang có nhu cầu cao. Trên cơ sở đó ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu, cũng như cập nhật yếu tố thời đại, đặc biệt giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 để tổ chức sản xuất các ngành hàng hiệu quả và bền vững. Đồng thời thúc đẩy nhanh hơn kinh tế nông thôn để lao động nông nghiệp không phải 37% mà còn thấp hơn nữa thì mới có đủ điều kiện tổ chức nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp và hiệu quả".
Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, cạnh tranh quốc tế
Nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp sẽ được Việt Nam tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, mang tính cạnh tranh cao.Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát lại các ngành, tái cơ cấu gắn với lợi thế từng vùng miền, gắn với thị trường để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, lấy thị trường thế giới để cạnh tranh và coi trọng thị trường trong nước, từ đó lựa chọn sản phẩm phù hợp để phát triển. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: "Giai đoạn tới xác định mục tiêu chung là xây dựng một nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế, muốn cạnh tranh được thì phải có chất lượng, năng suất và hiệu quả có khối lượng lớn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề toàn cầu mà Việt Nam là nước phải đối phó vấn đề này. Cùng với đó nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Thu hút các doanh nghiệp trong đó có các hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp và phải coi là doanh nghiệp, hợp tác xã là những động lực chính cho phát triển và coi người dân là đối tượng để chúng ta phục vụ và là yếu tố quyết định thành công của quá trình tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp".
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu gia tăng giá trị nông nghiệp đạt tối thiểu 3%/năm; năng suất lao động nông nghiệp tăng từ 3,5%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Cả nước phấn đấu có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 nghìn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Để đạt được kết quả này, nông nghiệp Việt Nam xây dựng 3 trục sản phẩm nông nghiệp gồm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” để có chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp.