Tăng cường thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Pháp

(VOV5) -  Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ ba tại Việt Nam (sau Hà Lan, Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam,với 461 dự án đầu tư còn hiệu lực.


Chuyến thăm Việt Nam từ 5-7/9 của Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ tạo ra một động lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Chuyến thăm Việt Nam sau 12 năm của một Tổng thống Pháp, được trông đợi sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, tạo ra những cơ hội hợp tác kinh tế mới giữa một nước công nghiệp phát triển hàng đầu ở châu Âu với một đất nước đang phát triển năng động, tích cực hội nhập quốc tế ở châu Á.


Tăng cường thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Pháp - ảnh 1
VOV phỏng vấn chuyên gia lịch sử quân sự Pierre Journoud, người tháp tùng Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm Việt Nam lần này.

Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 4/1973. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược năm 2013 đã thúc đẩy quan hệ mở rộng trên tất cả các lĩnh vực: giao lưu chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục...

Hợp tác Việt Nam-Pháp chứa đựng nhiều tiềm năng

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều triển vọng. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Italy). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2015 đạt 4,2 tỷ USD (tăng 19% so với năm 2014), trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 2,9 tỷ USD (tăng 23% so với năm 2014). Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ ba tại Việt Nam (sau Hà Lan, Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam,với 461 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,4 tỷ USD. Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương hàng đầu cho Việt Nam, là một trong ít nước được nhận cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan phát triển Pháp và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên.

Những ưu tiên hợp tác

Cho đến nay, hai nước đã ký hầu hết các văn bản pháp lý cần thiết để mở rộng hợp tác như: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế trùng và hàng loạt hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể khác mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã và đang thay đổi nhanh chóng, với triển vọng ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EU), ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015... Những yếu tố đó sẽ tạo nên những cơ hội mới cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Pháp. Vì vậy, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp Francois Hollande được giới chuyên gia hai nước đánh giá là tạo đà cho một giai đoạn hợp tác phát triển mới giữa Việt Nam và Pháp. Chuyên gia lịch sử quân sự Pierre Journoud, người tháp tùng Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm Việt Nam lần này, nhận định: “Chuyến đi này đến đúng thời điểm, thời điểm mà cả Pháp lẫn Việt Nam đều cần có một luồng gió mới, một động lực mới cho mối quan hệ về tổng thể là tốt đẹp ở mọi cấp độ giữa hai nước, từ chính phủ, các cơ quan chính quyền, cho tới các địa phương, các tổ chức xã hội dân sự…Nhìn chung đó là một mối quan hệ dày, phong phú đa dạng nhưng hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại còn chưa tương xứng. Tôi nghĩ là còn rất nhiều lĩnh vực hợp tác có thể làm tốt hơn như trao đổi sản phẩm, công nghệ…Tôi nghĩ một trong những mục đích chính trong chuyến đi này của ông Francois Hollande sẽ là thiết lập một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại”.


Tăng cường thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Pháp - ảnh 2
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Gérard Ngô


Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Pháp được hình thành, phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới... Trong giai đoạn hiện nay, với chính sách hướng Đông mạnh mẽ, bên cạnh ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, Pháp cũng coi Việt Nam là địa bàn chiến lược để mở rộng lĩnh vực này, làm cầu nối cho phong trào phát triển tiếng Pháp trong khu vực ASEAN. Luật sư Gérard Ngô, nhận định: “Nước Pháp ý thức việc phát triển quan hệ tốt nhất có thể với Việt Nam, bởi nhiều lý do từ lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế- thương mại và hơn nữa, Việt Nam có thể giúp thúc đẩy phong trào Pháp ngữ trong khu vực. Riêng trong năm nay, đã có Chủ tịch Quốc hội Pháp rồi Bộ trưởng Quốc phòng cùng nhiều đoàn khác sang thăm Việt Nam. Phía Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ với nước Pháp. Tôi cho rằng nước Pháp đang có những nỗ lực lớn để khôi phục lại ảnh hưởng ở khu vực, cũng như tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, bởi chỉ khi quan hệ kinh tế thương mại hiệu quả, những người học tiếng Pháp có cơ hội tìm việc làm tốt, thì khi đó nước Pháp mới cạnh tranh được với các quốc gia nói tiếng Anh tại Việt Nam và châu Á”.

Chuyến thăm Việt Nam sau 12 năm của một Tổng thống Pháp lần này của Tổng thống Francois Hollande rất được kỳ vọng. Trong bối cảnh nước Pháp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần thì việc sắp xếp chuyến đi càng thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao đối với vị thế, tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande chắc chắn sẽ cụ thể hóa nội hàm Đối tác chiến lược Việt Nam- Pháp, thúc đẩy hợp tác một cách thiết thực, làm sao để Việt Nam trở thành đối tác chính của Pháp tại Đông Nam Á.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác