(VOV5) - Hội nghị quy tụ khoảng 40 bộ trưởng và các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới về lĩnh vực môi trường và năng lượng.
Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu và Năng lượng, trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra ngày 2/10, tại Madrid (Tây Ban Nha).
Diễn ra trong bối cảnh Liên hợp quốc gần đây liên tiếp cảnh báo các nước đang chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, hội nghị là dịp để các quốc gia cùng nhìn lại các cam kết và tăng tốc hành động, ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất.
Hội nghị quy tụ khoảng 40 bộ trưởng và các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới về lĩnh vực môi trường và năng lượng. Các vấn đề như: đầu tư vào năng lượng tái tạo, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải, phát triển năng lượng sạch…, là trọng tâm của Hội nghị.
Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại thị trấn Walgett, Australia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Nhiều ý tưởng thiết thực
Hội nghị đã nhất trí về ý tưởng thành lập một liên minh quốc tế loại bỏ các hình thức trợ cấp và ưu đãi thuế cho nhiên liệu hóa thạch. Ý tưởng này do Bộ trưởng Khí hậu Hà Lan, Rob Jetten đề xuất và chính phủ Hà Lan sẽ vận động tích cực để liên minh này sớm ra đời trong vài tuần tới, trước thời điểm diễn ra Hội nghị COP 28, dự kiến tổ chức từ 30/11 đến 12/12 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Tiến sĩ Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết của các bên liên quan đối với ý tưởng này. Ông Fatih Birol cho rằng xây dựng một lộ trình rõ ràng để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là 1 trong 5 điều kiện quyết định liệu Thượng đỉnh COP 28 sắp tới có thành công hay không. Các điều kiện còn lại là việc tăng gấp 3 lần đầu tư cho năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm căng thẳng địa chính trị và xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính cho năng lượng xanh tại các nước đang phát triển. Bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha, nước chủ nhà Hội nghị đồng thời cũng là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, cho biết việc lập liên minh loại bỏ các ưu đãi dành cho nhiên liệu hóa thạch sẽ là bước đi đầu tiên.
Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al-Jaber phát biểu tại Hội nghị ở Dubai (UAE) ngày 14/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, tại cuộc họp của ngành dầu khí diễn ra tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) do Chủ tịch COP 28 Sultan al-Jaber chủ trì, hơn 20 công ty dầu khí toàn cầu hưởng ứng tích cực lời kêu gọi hướng tới mục tiêu đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0 và đạt lượng methane phát thải gần bằng 0 vào năm 2030.
Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Phi về khí hậu hồi tháng 9 ở Kenya, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng cam kết đầu tư 4,5 tỷ USD để tạo ra 15 GW năng lượng sạch vào năm 2030 ở châu Phi. Khoản tiền này đồng thời là chất xúc tác giúp Châu Phi huy động thêm ít nhất 12,5 tỷ USD từ các nguồn tư nhân và các tổ chức đa phương, đóng góp vào chiến dịch giúp châu Phi trở thành "siêu cường về năng lượng tái tạo" do Liên hợp quốc khởi xướng, nhằm xác định tầm nhìn chung về phát triển xanh của châu Phi.
Còn nhiều trở ngại
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại COP 21 (năm 2015, ở Paris), 195 quốc gia thành viên nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19), cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C.
Từ đó đến nay, các nước đang có nhiều tiến bộ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế, sau khi giảm nhẹ vào thời điểm xảy ra dịch Covid-19, tình trạng phát thải đã tăng trở lại. Trong năm ngoái, mật độ khí nhà kính được ghi nhận ở mức kỷ lục trong lịch sử, cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức phát thải từ ngành năng lượng đạt kỷ lục mới là 37 tỷ tấn CO2 năm ngoái.
Để đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ nay đến cuối thập kỷ này, mức phát thải từ than đá cũng cần phải giảm khoảng 67 - 82%, tốc độ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn cần nhanh hơn gấp 6 lần. Một vấn đề chính khác là làm sao để những quốc gia dễ bị tổn thương nhất có thể chuẩn bị tốt hơn trong đối phó với biến đổi khí hậu. Các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ phải đặt mục tiêu trung hòa carbon trong 5 năm, từ 2050-2045, và Trung Quốc là 10 năm, đến 2050, để duy trì mục tiêu trong khuôn khổ Hiệp định Paris và kiềm chế sự nóng lên toàn cầu không vượt ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện tại, các nước vẫn bị chia rẽ, giữa một bên yêu cầu một thỏa thuận để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh và một bên là các quốc gia nhất quyết duy trì vai trò của than, dầu và khí đốt tự nhiên. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị cũng là trở ngại lớn đối với hành động khí hậu. Vì vậy, những kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu và Năng lượng tại Tây Ban Nha góp tiếng nói trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, kêu gọi các nước cùng tăng tốc hành động, ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất.