(VOV5) - Để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế như trong 6 tháng qua, Việt Nam phải kiểm soát tốt nguy cơ lạm phát luôn hiện hữu và nhiều lực cản do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố chỉ số tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam.Theo đó, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng qua vẫn đạt 5,64% còn lạm phát chỉ ở mức 1,47%. Đây là kết quả ấn tượng, là nền tảng tốt để Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 là 6,5% như Quốc hội đã đề ra. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, Việt Nam đang hướng tới một số giải pháp cụ thể.
Kiểm soát lạm phát ở mức 4% là thách thức và “tăng trưởng kỳ vọng” là bài toán khó, trong bối cảnh hiện tại. Ảnh VOV |
Tròn 1 năm trước, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng năm 2020 của Việt Nam được công bố tăng 1,82%, là mức thấp nhất giai đoạn 2011-2020. Thời điểm đó, bất cứ ai cũng nhận diện được nguyên nhân là do đại dịch Covid19 tác động bất ngờ,dữ dội, tiêu cực lên mọi lĩnh vực, ngành nghề. Đến nay, dù nhiều chuyên gia nhận định là kinh tế Việt Nam vẫn nhiều khó khăn từ đại dịch nhưng GDP nửa đầu năm vừa được công bố ở mức 5,64%. Đây là con số không chỉ cao hơn mà là cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: “Năm 2020, tháng 12, là mình xuống đến đáy của tăng trưởng, cho nên 6 tháng đầu năm nay mình vực lại, tăng trưởng 5,64% là sức bật phải có. Tất nhiên, vẫn cần nhìn nhận đó là dấu hiệu mừng. Chỉ số thứ 2 là lạm phát, 6 tháng đầu năm chúng ta kiểm soát được cũng là đáng mừng. Trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng 5,6%”.
Cơ cấu GDP 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Tổng cục Thống kê |
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%. Trong đó, 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như: sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, thủy sản… Chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng ngành thủy sản đã có sự tăng trưởng trở lại so với năm 2020: “Năm ngoái do ảnh hưởng của Covid 19, ngành hàng chúng tôi có sự sụt giảm. Nhưng trong năm 2021 này với thành quả của công tác phòng chống dịch của Chính phủ, các khu vực trọng điểm của nghề cá, thủy sản đến hiện tại ít bị ảnh hưởng bởi dịch. Điều đó khiến cho việc xuất khẩu thủy sản trong năm nay đang có dấu hiệu tăng trưởng khá tốt, cụ thế tháng 4 là 22%, tháng 5 tăng lên 24%”.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ trước, là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch - thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Mặt khác, điều đáng mừng là thì tính thích ứng trong cộng đồng đối với việc phát triển kinh tế trong đại dịch đã tốt hơn, nên “sức bật” của nền kinh tế cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế như trong 6 tháng qua, Việt Nam phải kiểm soát tốt nguy cơ lạm phát luôn hiện hữu và nhiều lực cản do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Các giải pháp giúp nền kinh tế đạt được hiệu quả tích cực, tối đa trong giai đoạn tiếp theo, ít nhất là 6 tháng tới đây. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, khuyến nghị: “Cần triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc trong các khu công nghiệp. Chính sách hỗ trợ cần đơn giản, hiệu quả và kịp thời. Cần triển khai nhanh nhất có thể. Hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh”.
Các chuyên gia kinh tế cũng nêu bật vai trò của Nhà nước trong việc tập trung hỗ trợ an sinh càng sớm càng tốt đối với người dân và triển khai kéo dài các giải pháp giãn, hoãn thuế, phí đối với doanh nghiệp…trên tinh thần đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Trong tiến trình này, các giải pháp chuyển đổi số cần được Việt Nam đẩy mạnh. Trong thời điểm này, Việt Nam cũng sẽ tận dụng tốt hơn nữa những thuận lợicơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế.