(VOV5) - Với nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, trong các nhiệm kỳ gần đây, tỉ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia các cơ quan dân cử ở Việt Nam ngày càng cao. Trong cuộc bầu cử tới đây, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều biện pháp để đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia nhiều hơn ở các cơ quan dân cử.
|
Ảnh minh họa:lopyenbai.wordpress.com |
Trong 4 nhiệm kỳ gần đây của Quốc hội Việt Nam, tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến hơn 17% tổng số đại biểu Quốc hội. Đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 chiếm 18%; cấp huyện và cấp xã chiếm hơn 20%.
Đại biểu người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu dân tộc thiểu số đã có những đóng góp quan trọng trong các quyết sách của Quốc hội, nhất là các chính sách liên quan đến dân tộc. Nhiệm kì khóa 13 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh. Cũng trong nhiệm kì này, lần đầu tiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu về các vấn đề liên quan đến Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: thực trạng và giải pháp sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số. Điều này cho thấy đại biểu dân tộc thiểu số ngày càng có tiếng nói trong các cơ quan dân cử.
Khó khăn đối với ứng viên dân tộc thiểu số
Mặc dù trong các nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trong các cơ quan dân cử luôn cao hơn so với số dân, nhưng vẫn có một số dân tộc chưa có đại diện.Trên thực tế, mặt bằng dân trí của các dân tộc thiểu số nhìn chung còn thấp, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn. Nhiều người không biết chữ và tiếng phổ thông nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền ứng cử và bầu cử. Lần đầu tiên tham gia ứng cử vào cơ quan dân cử, anh Hoàng Quốc Khánh, dân tộc Giáy ở Lai Châu, cho biết: Dù được cơ quan giới thiệu và tạo mọi điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn để tìm hiểu, nắm bắt thông tin phục vụ việc ứng cử, song với các ứng viên là người dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi như anh, lại tham gia ứng cử lần đầu nên điều kiện tiếp cận, thu thập thông tin và kĩ năng vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động, thuyết phục lôi cuốn cử tri còn rất hạn chế. Đây là rào cản không nhỏ, làm hạn chế cơ hội thành công đối với các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số. Anh Hoàng Quốc Khánh cho biết:“Ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số việc chúng tôi tiếp cận với các thông tin mới, nóng còn hạn chế so với miền xuôi. Thứ hai là ở vùng dân tộc thiểu số thì trình độ bà con còn chưa đồng đều nên quá trình tiếp xúc cử tri, vận động phải mất rất nhiều công sức để bà con nắm được thông điệp mình đưa ra”
Bên cạnh đó, các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số còn phải đáp ứng các tiêu chí như: là ứng cử viên nữ, còn trẻ, là người ngoài Đảng cộng sản Việt Nam. Đây cũng là những khó khăn trong việc đảm bảo mục tiêu có ít nhất 18% tổng số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội sắp tới.
Tập huấn kỹ năng cho ứng cử viên dân tộc thiểu số
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, cho rằng kết quả trúng cử phụ thuộc rất lớn vào quá trình chọn người ứng cử và quá trình vận động tranh cử. Do đó, để đạt được mục tiêu như dự kiến, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực, đồng thuận của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử, từ hiệp thương giới thiệu người ứng cử đến vận động tranh cử. Để cung cấp những kiến thức, kỹ năng tiến hành hoạt động vận động tranh cử cho các ứng cử viên người dân tộc thiểu số, Hội đồng dân tộc của Quốc hội tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng vận động tranh cử cho hàng trăm ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 là người dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Lâm Thành cho biết: Nhiều ứng cử viên là dân tộc rất ít người, lại là ứng cử viên ở vùng sâu, vùng xa. Cho nên lớp tập huấn lần này của Hội đồng dân tộc là để giúp cho các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số có thêm kinh nghiệm, có thêm kiến thức, kĩ năng và có thêm bản lĩnh, sự tự tin để tiến hành các vận động tranh cử cho mình tốt hơn, để hy vọng có được kết quả trúng cử cao hơn
Tập huấn là cần thiết để đem lại cơ hội thành công cao hơn cho các ứng viên là người dân tộc thiểu số. Về lâu dài, để tăng số lượng đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan dân cử cũng như để quy tụ đầy đủ 54 thành phần dân tộc trong Quốc hội, các cấp, các ngành sẽ phải hành động quyết liệt hơn nữa để quy hoạch, tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan dân cử.