(VOV5) - Từ ngày 05/10/2014, Bộ Công Thương Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc). Mức thuế thấp nhất là 3,07% và cao nhất lên tới 37,29%. Đây là lần đầu tiên kể từ khi mở cửa hội nhập thị trường thế giới, Việt Nam sử dụng biện pháp phòng vệ bằng việc áp thuế chống bán phá giá.
|
Mặt hàng thép không gỉ là loại thép được ứng dụng vào ngành công nghiệp sản xuất đồ gia dụng, các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng, dụng cụ làm bếp, bồn nước... Năm 2013, Công ty Posco VST và Hòa Bình Inox đề nghị Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công Thương) điều tra việc bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài loan (Trung Quốc), khi bán giá thấp kỷ lục, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Sau hơn một năm điều tra và phối hợp với một nước thứ ba để đối chiếu giá, Cục Quản lí cạnh tranh kết luận các doanh nghiệp thuộc 4 quốc gia và vùng lãnh thổ này đã bán sản phẩm với giá quá thấp, cạnh tranh không công bằng so với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Quyết định áp thuế chống bán phá giá của Việt Nam phù hợp với chuẩn mực quốc tế
Chiếm 80% thị phần sản xuất thép không gỉ trong nước, đến nay tổng năng lực sản xuất của Posco VST và Inox Hoà Bình đã lên tới xấp xỉ 370.000 tấn. So với nhu cầu trong nước là 400.000 một năm, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước có thể hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở các doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thể đạt được công suất thiết kế do phải cạnh tranh gay gắt với một lượng lớn thép không gỉ nhập khẩu đến từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc). Do đó, Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá là việc làm tuân thủ theo luật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất nước đó. Gia nhập WTO từ năm 2007, đến nay, Việt Nam đã phải chịu gần 100 vụ điều tra chống bán phá giá trên thế giới, song đây là lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá mặt hàng nhập khẩu. Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng quyết định của Bộ Công Thương là chính xác và thận trọng, phù hợp chuẩn mực quốc tế: Quan điểm của Hiệp hội đây là việc làm cần thiết theo đúng thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được. Cần phải có chính sách thuế hợp lý để nhà đầu tư trong nước và nươc ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nếu nhập khẩu với giá hợp lý thì đó là sự cạnh tranh lành mạnh cần thiết, nhưng nếu như nhập vào với giá rẻ và phá giá thì đó là điều không được và phải xử lý.
Áp thuế chống bán phá giá để tạo môi trường cạnh tranh công bằng
So với mặt bằng chung thế giới, thuế chống bán phá giá được Bộ Công thương đưa ra không quá cao. Trong những vụ việc chống bán phá giá đối với mặt hàng thép trên thế giới gần đây, thông thường là 20 – 30%, hoặc có vụ việc lên tới 100%. Bà Phạm Châu Giang, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), khẳng định mục đích của việc áp thuế chống bán phá giá không phải chỉ để bảo vệ sản xuất trong nước, mà quan trọng là để lập lại cạnh tranh công bằng giữa hàng hoá nhập khẩu đang bán phá giá vào Việt Nam với hàng hoá trong nước: Hành vi bán phá giá là khi nước ngoài cố tình nhằm mục tiêu xuất khẩu vào Việt Nam với giá bán thậm chí còn thấp hơn tại thị trường trong nước của họ. Vì vậy, cơ quan điều tra các nước áp thuế chống bán phá giá để đưa về cạnh tranh công bằng. Hiện xuất khẩu thép vào Việt Nam có nhiều nước, nhưng trong vụ việc này chỉ có 4 nước và vùng lãnh thổ bị áp thuế chống bán phá giá, nên doanh nghiệp trong nước không muốn mua hàng hoá các nhà sản xuất trong nước, thì có thể nhập khẩu từ các nguồn khác mà không bị đánh thuế chống bán phá giá.
Tính đến thời điểm này, thép không gỉ là sản phẩm nhập khẩu thứ ba vào Việt Nam bị kiện, nhưng đây là mặt hàng đầu tiên bị áp thuế chống bán phá giá tại Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường mở cửa thị trường thông qua các Hiệp định Thương mại tự do, thì kiện chống bán phá giá được đánh giá là một trong ba công cụ hợp pháp và hữu ích mà các doanh nghiệp và ngành hàng có thể sử dụng để bảo vệ thị trường nội địa của mình./.