(VOV5) - Sự thống nhất hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, Việt Nam và Brunei có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa kinh tế Đông Nam Á phát triển mạnh hơn trong những thập kỷ tới.
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long và Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Singapore và Brunei Darussalam từ ngày 8-11/2/2023.
Tiến sỹ Vannarith Chheang, chuyên gia chính sách công và các vấn đề quốc tế, Đại học Công nghệ Nanyang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tầm nhìn Châu Á. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Chuyến thăm chính thức 2 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự coi trọng và mong muốn tạo xung lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam với Singapore và Brunei.
Chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả 3 nước đều vượt qua đại dịch COVID-19 với một tâm thế mới và những kỳ vọng mới. Việt Nam, Singapore và Brunei có rất nhiều cơ hội hợp tác để tạo ra những thành quả đặc biệt.
Sự thống nhất hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, Việt Nam và Brunei có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa kinh tế Đông Nam Á phát triển mạnh hơn trong những thập kỷ tới.
Việt Nam: đối tác kinh tế quan trọng của Singapore
Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (8/1973) sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết. Mối quan hệ giữa hai nước ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN vào năm 1995, cùng sánh vai với Singapore dưới một “mái nhà chung”. Năm 2013, Singapore trở thành một trong những nước thành viên ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới hợp tác cùng có lợi, tôn trọng và tin cậy giữa hai nước.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng. Ảnh: TTXVN
|
Hợp tác kinh tế đã và đang là điểm nhấn cho mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Singapore. Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong khu vực. Năm ngoái, GDP của Việt Nam tăng trưởng trên 8%. Kết quả trên không chỉ phản ánh quyết tâm của người dân Việt Nam mà còn cho thấy tầm nhìn rõ ràng của Chính phủ trong việc định hướng cho đất nước tiến lên.
Các công ty của Singapore cũng đã nhận ra tiềm năng to lớn của nền kinh tế Việt Nam. Trong 3 năm qua, Singapore là một trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam. Hiện, 11 khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) trải dài ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc 3 miền Bắc - Trung - Nam đã tạo công ăn việc làm cho trên 300.000 lao động Việt Nam. Sau chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều cơ hội phát triển cho quan hệ Singapore - Việt Nam trên các lĩnh vực, như: kinh tế số, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon và cơ sở hạ tầng bền vững… sẽ được triển khai mạnh mẽ.
Đánh giá về triển vọng hợp tác song phương, Tiến sỹ Vannarith Chheang, Đại học Công nghệ Nanyang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tầm nhìn Châu Á (Asia Vision Institute), cho rằng: "Singapore có công nghệ, nền kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh và an ninh mạng tiên tiến. Trong khi Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để cung cấp như việc Việt Nam đang chuyển đổi số rất nhanh. Việt Nam là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp nhà nước rất am hiểu công nghệ và có tinh thần khởi nghiệp công nghệ. Vì vậy, tôi nghĩ đây là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Hai nước có thể thúc đẩy hợp tác xây dựng năng lực về kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh, mạng lưới thành phố thông minh và an ninh mạng".
Trong khi đó, theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, dự kiến trong chuyến thăm lần này, hai nước có thể ký thỏa thuận về đối tác số và đối tác xanh. Đây là những văn kiện nền tảng hết sức quan trọng để cụ thể hóa những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao vào năm ngoái. Ngoài ra, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác về giáo dục; có thể ký thỏa thuận hợp tác về cứu hộ cứu nạn trong lĩnh vực quốc phòng.
Tăng cường quan hệ hợp tác với Brunei
Việt Nam và Brunei thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/2/1992; nâng cấp lên quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Quốc vương Brunei Darussalam tới Việt Nam vào tháng 3/2019.
Trong hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Brunei Darussalam là thị trường nhỏ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 700 triệu USD, tăng 134% so với năm 2021, vượt mục tiêu 500 triệu USD vào năm 2025 mà Lãnh đạo hai nước đã đặt ra. Brunei đứng thứ 26/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam tới tổng vốn đăng ký đạt 971 triệu USD, tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Thời gian tới, hai bên có nhu cầu thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực có tiềm năng, như: nông lâm thủy sản, thực phẩm Hồi giáo Halal, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp Brunei.
Đánh giá về quan hệ Việt Nam - Brunei, Tiến sỹ Vannarith Chheang, cho rằng: "Quan hệ Việt Nam - Brunei dù chưa có nhiều thành công như quan hệ Việt Nam-Singapore về thương mại-đầu tư, song lại có những khía cạnh hợp tác độc đáo như hợp tác về dầu khí. Ngoài ra, cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam và Brunei sẽ hợp tác chặt chẽ theo các khuôn khổ, cơ chế do ASEAN dẫn dắt, trong đó có chương trình nghị sự về các vấn đề khu vực cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông".
Về quốc phòng - an ninh, hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác, như: trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, trao đổi thông tin và phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn. Hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, hợp tác biển, giao lưu nhân dân… tiếp tục được chú trọng phát triển.
Chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei Darussalam lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị và thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và 2 quốc gia thành viên ASEAN, cũng như thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa các bên trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.