Tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô

(VOV5) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015. Báo cáo nêu bật những kết quả đạt được trong 3 năm qua và nhấn mạnh 9 nhóm giải pháp lớn để hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới trên tinh thần đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất.

Tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ (Ảnh: VGP)

Lạm phát được kiểm soát, kinh tế có bước phục hồi.

Mở đầu báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận 3 năm qua, những hạn chế yếu kém vốn có của nền kinh tế cùng với mặt trái của chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, do thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến nay kinh tế vĩ mô cơ bản đã ổn định, lạm phát được kiểm soát. Điều này thể hiện ở chỗ tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, dự báo cả năm 2013 khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%). Cùng với sự ổn định, kinh tế đã có bước phục hồi. Trong 9 tháng năm 2013, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu

Cụ thể là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu tài chính, tín dụng, tái cơ cấu nông nghiệp...đều có kết quả bước đầu. Trong tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đã điều chỉnh cơ cấu và cơ chế phân bổ vốn đầu tư; tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương, tăng cường trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư. Về tái cơ cấu tài chính, tín dụng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại, chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đạt được kết quả bước đầu. Hoạt động của hệ thống ngân hàng được kiểm soát và bảo đảm an toàn. Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại. Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại việc thực hiện kế hoạch năm 2013, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Kết quả này là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

9 giải pháp chủ yếu để tăng trưởng cao

Thủ tướng thừa nhận kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nêu rõ năm 2014 – 2015 Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm. GDP bình quân đầu người khoảng 2.200 - 2.300 USD vào năm 2015. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5 - 2%/năm. Riêng năm 2014 tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô. Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 9 giải pháp chủ yếu. Trước hết “kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng. Điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Tăng dự trữ ngoại hối. thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần.

Theo Thủ tướng, Chính phủ cũng đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, các quy hoạch và đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Cụ thể: “Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, vốn đối ứng ODA, vốn giải phóng mặt bằng và vốn tham gia các dự án hợp tác công - tư (PPP). Tăng đầu tư cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục và vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Tiếp tục tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty nhà nước theo đề án được duyệt. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Song song với đó là thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược về cải cách thể chế, về phát triển nguồn nhân lực, về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về đối ngoại, theo Thủ tướng, Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống và các nước lớn.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị phải cùng nhau chung sức chung lòng, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2014, góp phần thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác