|
(VOV5) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 9-2012 diễn ra ngày 27-9 tại Hà nội, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của việc điều hành, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Nguyên do của việc tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 2,2%, là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng do các nhóm hàng giáo dục, dược phẩm y tế, xăng dầu và chi phí giao thông tăng cao. Nhóm dịch vụ y tế tăng 23,8%, được coi là nhóm tăng cao nhất trong rổ hàng hóa, theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chủ yếu do bảo hiểm y tế chi trả và cơ bản không ảnh hưởng đến người nghèo. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Toàn bộ thẻ bảo hiểm y tế của người nghèo đều do Chính phủ mua hết. Vừa rồi, lại có quyết định của Chính phủ mà theo đó, các bệnh nhân mổ tim, chạy thận nhân tạo và chữa ung thư đều được hỗ trợ bảo hiểm y tế. 100% người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công cũng được nhà nước mua bảo hiểm y tế. Hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ 30% bảo hiểm và chúng tôi cũng đang đề nghị hỗ trợ 100% đối với những người vừa thoát nghèo. Đối với nông dân và học sinh sinh viên sẽ được hỗ trợ 30-50%”.
Như vậy, việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2012 tăng được khẳng định là yếu tố thời vụ, không phải do tác động của chính sách kinh tế vĩ mô. Dù vậy, điều này cũng có thể gây ra tâm lý bất ổn. Và vì thế, một trong những nhiệm vụ chính được Chính phủ thống nhất tập trung điều hành thực hiện trong thời gian tới là kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để lạm phát ở mức hai con số. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo:“Kiểm soát chặt chẽ giá cả, thực hiện cho được mục tiêu cao nhất là không để lạm phát ở mức hai con số. Đây là sự ổn định vĩ mô rất quan trọng để không chỉ đạt được mục tiêu phát triển trong năm nay mà còn để phát triển bền vững trong những năm tới. Ngoại trừ những yếu tố khách quan, ngoài khả năng của chúng ta, còn chủ quan thì chúng ta không được để xảy ra sơ xuất tăng giá, lạm phát, tăng giá do điều hành”
Trong kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán; giữ vững sự ổn định tỷ giá; kiểm soát chặt chẽ lãi suất, không để lãi suất lên cao hơn nữa. Về tài khoá, trong hoàn cảnh khó khăn cố gắng cân đối thu chi, giữ bội chi 4,8%. Chính phủ cũng yêu cầu phải đảm bảo cân đối về cung cầu hàng hoá, không để thiếu hàng, sốt giá, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm và việc cân đối hàng hoá phải đi liền với bình ổn giá, kiểm soát, quản lý giá cả. Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá cả hàng hoá theo giá cả thị trường theo lộ trình, tính toán kỹ tới những tác động kinh tế, xã hội sau khi điều chỉnh giá cả.
Song song với việc kiểm soát lạm phát, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 5% trong năm 2012, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế như gạo, thuỷ sản, hàng dệt may, da giầy… Quan tâm phát triển các dịch vụ lợi thế như du lịch, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng không, đồng thời tập trung giải quyết hàng tồn kho, nhất là vật liệu xây dựng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm.Trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ trước hết tập trung tái cơ cấu các tập đoàn, các tổng công ty, sắp xếp lại quy mô cho phù hợp với thị trường, năng lực tài chính; tập trung vào ngành nghề chính. Đặc biệt, việc tái cơ cấu ngân hàng tập trung quyết liệt vào việc giải quyết nợ xấu gắn với xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém. Ngoài ra, Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo, đảm bảo nguồn tài chính cho sinh viên nghèo vay đi học, thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội. Đó là những giải pháp tổng thể nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay và phát triển bền vững trong các năm sau./.