Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: VOV
|
Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, (khóa XII) đang diễn ra tại Hà Nội, thảo luận và cho ý kiến về các nội dung: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; cải cách chính sách tiền lương; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu khai mạc nhấn mạnh các vấn đề mang tính gợi mở về các nội dung này.
Trước hết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ và những ưu điểm trong công tác cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước.
Thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó.
Tổng bí thư dẫn yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam về công tác cán bộ, theo đó phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần "thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó". Do vậy, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án để thực hiện nhiệm vụ Đại hội XII, tiến hành tổng kết 20 năm (1997 - 2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", trên cơ sở đó xây dựng Đề án và Dự thảo Nghị quyết để trình Hội nghị Trung ương lần này. Tổng bí thư đề nghị Trung ương trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng cộng sản Việt Nam có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp.
Tổng bí thư nhấn mạnh: "Phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế trong thời gian tới; xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ mới, bối cảnh mới, nhất là những yếu tố tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực đến cán bộ và công tác cán bộ. Từ đó, đi sâu thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài và những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ chính sách tiền lương là một bộ phận rất quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống của người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Theo Tổng bí thư, đã đến lúc Việt Nam phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương: "Thống nhất nhận thức về sự cần thiết, cấp bách và tính khả thi của việc tiến hành cải cách chính sách tiền lương lần này; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".
Mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân
Tổng bí thư đề nghị Trung ương tổng kết thực tiễn và sự phân tích, dự báo một cách khoa học, với tầm nhìn xa tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân trong trung và dài hạn, trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Tổng bí thư chỉ đạo: "Tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính bảo hiểm xã hội trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu... Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội".
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương lần này diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khoá XII, trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới đất nước có nhiều chuyển biến tích cực với những thời cơ, vận hội mới, tốt đẹp hơn. Tổng bí thư đề nghị các vị Ủy viên Trung ương tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.