(VOV5)- Ngày 29/09, tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, kết thúc 13 năm cầm quyền của ông Hamid Karzai kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ hồi năm 2001. Việc ông Ghani nhậm chức Tổng thống đánh dấu sự chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên ở Afghanistan trong nhiều năm qua. Ngay sau khi tuyên thệ, ông Ghani ra sắc lệnh bổ nhiệm chức vụ Nhà điều hành cấp cao, một vị trí mới tương đương Thủ tướng.
|
Tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan A.Ga-ni (thứ hai, bên trái) và nhà điều hành cấp cao A.Áp-đun-la (ngoài cùng, bên trái) tại lễ nhậm chức. Ảnh: AP. |
Để có được buổi lễ nhậm chức Tổng thống hôm qua,người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế đã phải chờ đợi nhiều tháng sau khi 2 đối thủ chạy đua vào chiếc ghế quyền lực này đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Theo đó, ông Abdullah Abdullah, đối thủ của tân Tổng thống Ashraf Ghani, đảm nhận vị trí "Người điều hành cấp cao" (CEO).
Mâu thuẫn nội bộ là cản trở không nhỏ
Dư luận trong và ngoài Afghanistan hy vọng hai nhà lãnh đạo mới sẽ xây dựng một Chính phủ hòa giải dân tộc mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng nhưng giới phân tích cho rằng Afghanistan tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn là điều dễ nhận thấy. Việc thiết lập một liên minh cầm quyền giữa hai phe phái đối địch là không dễ dàng. Ông Abdullah được sự ủng hộ từ những người Tajiks,nhóm sắc tộc lớn thứ hai tại Afghanistan và nhiều nhóm sắc tộc khác ở phía Bắc. Trong khi ông Ghani được những bộ tộc người Pashtun ở phía Đông và phía Nam ủng hộ. Do đó, rất có thể sẽ tồn tại hai thế lực trong Chính phủ và khó có thể hợp tác.
Hơn nữa, thực chất, việc ông Ashraf Ghani và ông Abdullah Abdullah đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực là do sức ép của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế chứ không phải là ý muốn cá nhân và quyền lợi của mỗi bên liên minh cầm quyền. Vì vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại Afghanistan chỉ có thể tạm thời đưa nước này ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua, bởi những mâu thuẫn sâu sắc liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua sẽ khiến Afghanistan khó có thể hình thành một liên minh cầm quyền hoạt động thực sự hiệu quả.
Bảo đảm an ninh, phục hồi kinh tế đất nước
Ngoài việc phải ổn định nội bộ, có thể thấy rõ Ban lãnh đạo mới của Afghanistan phải đối mặt với vấn đề bảo đảm an ninh, phục hồi kinh tế. Ngay trước khi lễ nhậm chức Tổng thống diễn ra, một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công một chốt cảnh sát gần sân bay ở thủ đô Kabul làm nhiều người thiệt mạng. Trên trang mạng xã hội Twitter, Taliban đã thừa nhận tiến hành vụ việc trên. Điều đó cho thấy, cuộc chiến chống lực lượng này chắc chắn là một trong những vấn đề lớn mà Chính phủ mới phải tiếp nhận. Nó cũng là bằng chứng khẳng định cuộc chiến chống Taliban trong hơn 10 năm qua không đạt kết quả như mong muốn và vấn đề bảo đảm an ninh, ổn định đất nước vẫn là vấn đề thường trực cần giải quyết của Ban lãnh đạo mới của Afghanistan.
Người ta không ngạc nhiên khi trong phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Afghanistan đã kêu gọi các phần tử nổi dậy Taliban tham gia các cuộc đàm phán hòa bình sau cuộc nội chiến kéo dài 13 năm qua. Ngoài ra, ông Ghani cũng nhanh chóng ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ (ngày 30/09), một Hiệp ước mà cựu Tổng thống Hamid Karzai từ chối ký kết khi còn tại vị. Hiệp ước cho phép hơn 10 nghìn binh sỹ thuộc liên quân do Mỹ đứng đầu ở lại Afghanistan nhằm huấn luyện lực lượng quân đội và cảnh sát mới của nước này. Tuy nhiên việc ký kết BSA là con dao 2 lưỡi khi Taliban khẳng định sẽ kiên quyết chống lại sự hiện diện của bất kỳ lính Mỹ nào trên lãnh thổ nước này sau năm 2014. Ngoài BSA, tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani dự kiến cũng sẽ ký Hiệp định về quy chế lực lượng NATO, theo đó cho phép các quốc gia thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng tiếp tục duy trì sự hiện diện của khoảng 2.000 binh lính.
Trong khi đó, chính những bất ổn chính trị, bạo lực và thiếu những cải cách cần thiết đang đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế của Afghanistan. Theo báo cáo của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của nước này dự kiến giảm từ 3,6% năm 2013 xuống còn 3,2% trong năm nay. Tân chính phủ Afghanistan cũng sẽ đối diện với cuộc khủng hoảng tài khóa, buộc phải hoãn trả lương tháng 10 cho công chức do ngân sách hiện không có đủ 116 triệu USD cần thiết.
Rõ ràng những thách thức đang chờ đợi Ban lãnh đạo mới ở Afghanistan không hề nhỏ và việc vượt qua là không dễ dàng. Liệu họ có thành công trong việc ổn định chính trị và gây dựng lại kinh tế của Afghanistan như kỳ vọng của Liên hợp quốc hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ./.