(VOV5) - Tham dự sự kiện quan trọng này khẳng định quyết tâm cải cách và hội nhập quốc tế, chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN; thúc đẩy quan hệ hợp tác đang phát triển giữa Việt Nam và WEF.
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) tại Campuchia trong 2 ngày 11 - 12/5/2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ và thảo luận về khả năng hợp tác giữa Việt Nam và các tập đoàn lớn trên thế giới trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi đầu năm nay ở Thụy Sĩ. Ảnh: Chinhphu.vn.
Tham dự sự kiện quan trọng này khẳng định quyết tâm cải cách và hội nhập quốc tế, chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN; thúc đẩy quan hệ hợp tác đang phát triển giữa Việt Nam và WEF.
WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực để bàn luận về những vấn đề kinh tế-phát triển và thời sự toàn cầu.
Diễn đàn quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hằng năm Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu như: Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mỹ Latinh, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Trung Đông... Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích, đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.
Việt Nam thể hiện quyết tâm cải cách và hội nhập
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2017 diễn ra trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Với chủ đề “Thanh niên, Công nghệ và Tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số”, hội nghị năm nay thu hút hơn 600 đại biểu, trong đó có Thủ tướng Campuchia, Lào, Việt Nam và Tổng thống Philippines. Chương trình nghị sự của Hội nghị tập trung đánh giá tiến trình phát triển và hội nhập của ASEAN, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn phát triển sắp tới của khu vực này. Trên cơ sở đó, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề phản ánh sự quan tâm của giới doanh nghiệp đối với ASEAN như định vị ASEAN trong bối cảnh mới về chính trị và kinh tế toàn cầu, triển vọng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các nước ASEAN trong lĩnh vực giáo dục, lao động, năng lực cạnh tranh, kinh tế số…
Tham dự Hội nghị WEF – ASEAN 2017, Việt Nam quảng bá hình ảnh một nền kinh tế năng động, quyết tâm cải cách và hội nhập quốc tế, truyền tải thông điệp của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển nhằm củng cố lòng tin của giới doanh nghiệp khu vực và quốc tế vào nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là cơ hội góp phần khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và khu vực thông qua việc tích cực thảo luận các vấn đề quan tâm chung của ASEAN; thúc đẩy quan hệ hợp tác đang phát triển giữa Việt Nam và WEF. Đặc biệt, là nước đăng cai Hội nghị WEF -ASEAN năm 2018 nên trong dịp này, Việt Nam cũng sẽ nhận bàn giao vai trò nước chủ nhà của WEF ASEAN 2018.
Thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam - WEF
Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới có quan hệ hợp tác từ năm 1989. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF tại Davos (Thụy Sĩ) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á. Việc nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự các Hội nghị WEF Davos 2007 và 2010 đã đem lại các kết quả quan trọng, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và WEF. Tháng 1 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tham dự Hội nghị trên cương vị mới. Tại đây, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai; và WEF đồng ý Việt Nam đăng cai Hội nghị WEF ASEAN năm 2018.
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác, Diễn đàn Kinh tế Thế giới trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Việc tham gia các hội nghị của WEF đã góp phần quảng bá các thành tựu phát triển chính sách, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tại nhiều hội nghị, Việt Nam đã tổ chức các buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo Chính phủ với các doanh nghiệp, là kênh trao đổi trực tiếp với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Sáng kiến tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (tháng 10/2016) của Việt Nam đã giúp quảng bá tiểu vùng Mekong đến cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới. Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu, trong đó có các lãnh đạo cấp cao và Bộ trưởng kinh tế các nước Mekong, hơn 100 đại biểu doanh nghiệp thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các doanh nghiệp trong khu vực.
Bên cạnh việc tham dự các Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới để quảng bá quốc gia, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hợp tác trong nông nghiệp, công nghiệp. Việt Nam hiện nay là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Hiện tại, Việt Nam có 10 tập đoàn/công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn VinaCapital.
Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, tại diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2017, Việt Nam tiếp tục sẽ có những đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị. Đồng thời khẳng định quyết tâm cải cách, hội nhập của Việt Nam nhằm củng cố lòng tin của giới doanh nghiệp khu vực và quốc tế đồng hành cùng nền kinh tế Việt Nam.