(VOV5) - Hiệp ước Schengen với đường biên giới mở luôn được coi là niềm tự hào, là một trong những thành tựu lớn nhất của quá trình hội nhập châu Âu trong 35 năm qua.
Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tạm lắng ở một số khu vực, và nhiều nước châu Âu bắt đầu nới lỏng phong tỏa, khôi phục lại hoạt động. Tuy nhiên, đó là vấn đề riêng rẽ ở từng quốc gia, còn ở tầm khu vực, các nước thuộc Liên minh châu Âu vẫn chia năm sẻ bảy về thời điểm mở lại biên giới nội khối. Sự e ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch COVID - 19 là nguồn cơn của thực tế trên song, 1 lần nữa nó cũng đặt Hiệp ước Schengen, vốn cho phép bãi bỏ kiểm soát biên giới, miễn thị thực xuất nhập cảnh và bảo đảm quyền đi lại tự do đối với công dân các nước thành viên, trước thách thức lớn.
Cảnh sát Bỉ tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới với Pháp ở Quevy, ngày 19/4/2020 - Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN
|
Đầu tháng 4/2020, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị tiếp tục đóng cửa biên giới EU và không gian Schengen đến ngày 15/5. Tuy nhiên, đến nay, đã qua thời hạn trên 1 tuần song không gian Schengen vẫn chưa thể tái khởi động. Trong khi dó, nền kinh tế của khối liên minh này dự báo có thể giảm tới 10% trong năm nay, sự suy giảm chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 1920s.
Bất đồng trong việc mở lại biên giới
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 20/5 vừa qua, các Bộ trưởng du lịch trong Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về lộ trình dần mở lại biên giới vào mùa hè theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Việc dịch COVID - 19 đang có những chuyển biến tích cực đã tạo động lực để các nước đi tới quyết định thảo luận việc mở lại biên giới và khôi phục ngành du lịch sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Thế nhưng, Bộ trưởng cả 27 nước EU đã không thể đồng ý về toàn bộ kế hoạch do EC đề xuất. Ông Gari Capelli, Bộ trưởng Du lịch Croatia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho rằng cần thảo luận thêm về cách áp dụng “gói các biện pháp về du lịch” vì châu Âu không thể liều lĩnh chấp nhận rủi ro sau khi vừa trải qua hơn một tháng phong tỏa. Theo ông, các nước cần mở lại biên giới một cách có trách nhiệm bằng cách ký các thỏa thuận song phương, nhất là giữa các nước có cùng cấp độ dịch bệnh, để đảm bảo dịch không bùng phát trở lại. Đối với những nước có diễn biến dịch nguy hiểm thì cần làm thận trọng hơn và nên mở lại biên giới sau các nước khác.
Pháp thì yêu cầu phải có sự phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia. Mục tiêu của Paris là mở lại biên giới nội bộ EU từ ngày 15/6, nhưng phải đảm bảo tránh để xảy ra mở cửa ở nhiều tốc độ khác nhau. Trong khi đó, Đức lại muốn tập hợp 11 quốc gia phía Nam EU để bàn cách phối hợp mở lại biên giới.
Có thể nói, hiện tại, các nước trong khu vực Schengen đang áp dụng các biện pháp mở cửa biên giới không đồng bộ, theo cách đơn lẻ.
Đoàn kết vẫn là mấu chốt của không gian Schengen
Bất đồng trong việc mở cửa lại biên giới nội khối của EU không khiến dư luận ngạc nhiên song rõ ràng, khu vực này cần một cách tiếp cận thống nhất. EC đã xây dựng một bộ nguyên tắc chung cho các nước thành viên trong quá trình nới lỏng phong tỏa, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường. Trong đó, việc bãi bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ được áp dụng tại những điểm được xác định là hội tụ đủ các yêu cầu về mặt dịch tễ.
Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen kêu gọi 27 quốc gia thành viên EU cùng nhau phối hợp để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Bà cảnh báo, sự phối hợp không đầy đủ trong việc dỡ bở các hạn chế sẽ gây ra rủi ro cho tất cả các quốc gia thành viên và có thể sẽ tạo ra căng thẳng giữa các nước. Khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh, nhiều quốc gia thành viên EU đã đóng cửa biên giới hoặc áp đặt lệnh hạn chế đi lại mà không đưa ra thông báo trước. Bà Ursula von der Leyen hi vọng việc mở cửa lại biên giới các nước trong thời gian tới sẽ được thực hiện một cách có hệ thống hơn.
Giới chuyên gia thì nhận định, châu Âu đã thiếu đoàn kết trong đối phó với dịch COVID-19. Nay, mỗi nước áp dụng một phách trong việc mở cửa biên giới trở lại. Ở đây, rõ ràng châu Âu cần 1 nhạc trưởng. Ông Enrico Letta, Chủ tịch Viện tư vấn Jacques Delors của Liên minh châu Âu (EU), từng than thở trên Đài France Info (Pháp) rằng, EU phải phối hợp mở cửa biên giới giữa các nước. Song các nước EU lại không muốn nhường cho EU thẩm quyền về các vấn đề mà họ nghĩ rằng họ có thể hành động một mình.
Hiệp ước Schengen với đường biên giới mở luôn được coi là niềm tự hào, là một trong những thành tựu lớn nhất của quá trình hội nhập châu Âu trong 35 năm qua.
Việc khôi phục khu vực Schengen sớm muộn cũng sẽ diễn ra song, một lần nữa tính bền vững của không gian đi lại chung giữa các nước thành viên liên minh châu Âu lại đứng trước thách thức không nhỏ.