(VOV5) - 73 năm Ngày thương binh liệt sỹ, một loạt hoạt động lớn, trọng điểm diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam.
Ngày 27/7 hàng năm, tại Việt Nam diễn ra nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, những người có công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Năm 2020, nhân 73 năm Ngày thương binh liệt sỹ, một loạt hoạt động lớn, trọng điểm diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam, cho thấy rõ truyền thống nhân văn, trách nhiệm lớn lao của các cấp chính quyền và người dân trước những đóng góp hy sinh của các thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn - Ảnh VGP/Lê Sơn
|
Trong tháng 7, các nhà lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đến thăm, tặng quà cho các gia đình thuộc diện chính sách, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ quốc gia và địa phương, tổ chức nhiều chương trình văn nghệ kỷ niệm…
Những điểm nhấn của năm 2020
Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, là lần đầu tiên diễn ra chương trình gặp mặt 300 đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện cho gần 5.000 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Đây là một trong những hoạt động chính cấp quốc gia trong dịp lễ trọng này. Phát biểu tại các cuộc gặp, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đều bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới sự hy sinh to lớn của các mẹ Việt Nam anh hùng. Những hy sinh của các mẹ Việt Nam anh hùng đã góp phần làm nên những trang sử hùng tráng của dân tộc.
Sáng 24/7, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự buổi gặp mặt do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì - Ảnh: VOV
|
Cũng trong những ngày này, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách diễn ra đồng loạt ở các địa phương. Cùng với đó là lễ thắp nến tri ân các các anh hùng liệt sỹ ở tất cả các nghĩa trang trên toàn quốc. Chị Lường Thị Xuyến, giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chia sẻ: "Năm nào tôi cũng đến thắp hương ở nghĩa trang liệt sỹ mỗi dịp 27/7. Mỗi lần đến, tôi rất xúc động. Là người con của mảnh đất lịch sử, biết được lịch sử Việt Nam đã trải qua một thời gian rất dài để đấu tranh dựng nước và giữ nước, có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay, tôi luôn luôn xác định bản thân mình phải cố gắng sống hết mình, cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người thế hệ đi sau truyền lửa đến thế hệ đi sau nữa để mọi người đều biết đến sự hy sinh cao cả của rất nhiều anh hùng ở đây".
Các hoạt động tưởng nhớ công lao to lớn của thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng cũng được đại sứ quán Việt Nam tổ chức ở một số quốc gia. Tại lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, ở thủ đô Phnom Penh, Hội Khmer-Việt Nam và bà con Việt kiều tri ân công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo, mang lại sự hồi sinh kỳ diệu cho đất nước Chùa Tháp, vun đắp tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, khẳng định: "Đây là một hoạt động truyền thống nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ của cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia tưởng nhớ tới công lao của thế hệ các bác, các chú đi trước, và học hỏi thêm để vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Campuchia và Việt Nam mãi mãi bền vững".
Tiếp tục các chính sách nhân văn
Đến nay 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, hiện còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, nhiều người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống. Trước thực tế này, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Tại buổi gặp mặt 300 mẹ Việt Nam anh hùng cuối tuần qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận nhiệm vụ thường xuyên lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chúng ta tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác chăm lo người có công, nhất là về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm lo người có công với cách mạng, phấn đấu đến hết năm nay bảo đảm 100 % gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của của nhân dân nơi cư trú".
Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vật chất kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định gen xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam gắn liền với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, sự đóng góp máu xương của các thương binh, công sức của các gia đình có công với cách mạng. Vì vậy, những hoạt động tri ân, tưởng nhớ công lao của các thương binh, liệt sỹ đã, đang và sẽ luôn được Nhà nước Việt Nam coi trọng, thể hiện nghĩa cử uống nước nhớ nguồn của dân tộc.