(VOV5)- Ngày mai, chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 sẽ chính thức khép lại sau nhiều ngày hoạt động kể từ 28/7. Quy tụ 220 nhà khoa học từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 5 nhà khoa học từng đạt giải Nobel Vật lý, đây được coi là cơ hội vàng cho các nhà khoa học Việt Nam gặp gỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các dự án nghiên cứu của mình cùng giới khoa học quốc tế.
“Chương trình Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao cùng với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức. Diễn ra từ 28/7 đến 17/8, Chương trình có một loạt các hoạt động quan trọng, trong đó có 4 hội nghị khoa học quốc tế là: Vũ trụ trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý Nano từ cơ bản đến ứng dụng; Khánh thành Trung tâm Quốc tế gặp gỡ Khoa học và giáo dục liên ngành và Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”. Ngoài ra còn có các lớp học chuyên đề về vật lý, thiên văn. Đây là nỗ lực rất lớn của Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và cá nhân Giáo sư Trần Thanh Vân, Việt kiều ở Pháp, người khởi xướng và tổ chức cuộc gặp. Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ: Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là làm sao mà chúng ta có được một cơ chế ở Việt Nam mà có thể giúp cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam độc lập hơn, có phương tiện hơn để có thể làm khảo cứu trong tương lai.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng GS Trần Thanh Vân bức ảnh "Bác Hồ với giới trí thức Thủ đô Hà Nội". Ảnh: Song Ngũ
Bên cạnh các hội nghị khoa học quốc tế, điểm nhấn quan trọng nhất của Gặp gỡ Việt Nam lần này chính là sự ra đời của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, là tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Khu trung tâm Hội nghị, khách sạn, nhà chiếu hình vũ trụ, trên diện tích 20 héc ta tại thành phố Quy Nhơn. Đây sẽ là địa chỉ đỏ để các nhà khoa học hàng đầu thế giới về đây nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, bàn thảo các vấn đề quan trọng của khoa học thế giới. Tiến sỹ Trương Đình Hiển cho rằng: Đây là cuộc gặp gỡ có một không hai ở dải đất miền Trung còn nhiều nghèo khó này. Và sự hình thành cái Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học và giáo dục này đem lại cho miền Trung một thời kỳ mới. Từ nay, miền Trung có thể tự hào rằng mình có một thủ đô khoa học thực sự, trong đó rất nhiều các nhà khoa học, bác học trên thế giới họ về đây để truyền bá, thảo luận, bàn bạc để đưa ra những quyết định quan trọng cho sự phát triển của khoa học của Việt Nam và thế giới, đây là điều không thể nào quên được.
Các đại biểu lắng nghe Giáo sư - Tiến sĩ Yuli Nazarov, Viện khoa học Nano Kavli (Trường đại học Delft- Hà Lan) thuyết minh đề tài khoa học: Hai kiểu chuyển đổi hình thái học trong dây Majorana. Ảnh: Ngọc Thái.
Cùng với việc quy tụ được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam, trong đó có tới 5 nhà khoa học quốc tế đạt giải Nobel về vật lý, thì thành công lớn nhất của “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 chính là mở ra cơ hội mới cho giới nghiên cứu khoa học còn non trẻ của Việt Nam. Các nội dung của chương trình gặp gỡ đã cung cấp cho các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là các học sinh, sinh viên hàng loạt kiến thức mới. Bùi Văn Phổ, nghiên cứu sinh Việt Nam tại đại học Osaka, Nhật bản, bày tỏ: Cực kỳ bổ ích. Ngoài ngành học của em thì em còn biết được nhiều, nhiều các vấn đề khác liên quan đến việc nghiên cứu của em. Đây là một cơ hội rất tuyệt vời.
Kể từ năm 1993 đến nay, đã có 8 lần “Chương trình Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức tại Việt Nam. Thành công của “Chương trình Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 nối dài kết quả của 8 lần gặp gỡ trước, giúp ngành khoa học Việt Nam thúc đẩy nhiều lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Vật lý hạt nhân, Vật lý thiên văn và các nghiên cứu ứng dụng... trong 20 năm qua. Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: Chúng ta vẫn chú trọng vào khoa học công nghệ, vào những ngành khoa học ứng dụng nhưng không quên nghiên cứu cơ bản. Ngoài việc chúng tôi xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các nhà khoa học, sắp tới, Chính phủ cũng sẽ xem xét, phê duyệt các chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển vật lý và sẽ có những đầu tư thích đáng cho một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản.
“Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 đã khép lại nhưng đã mở ra cơ hội mới cho khoa học Việt Nam. Kể từ nay, miền Trung Việt Nam sẽ là trung tâm của các sự kiện khoa học lớn, giúp giới khoa học Việt Nam gắn kết tốt hơn với cộng đồng khoa học thế giới. “Chương trình gặp gỡ Việt Nam” với hành trình 9 lần tổ chức ở Việt Nam cũng trở thành “Chương trình gặp gỡ khoa học” trong tổng hoà trí tuệ Việt Nam./.