(VOV5) Năm 2011, Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo do tăng trưởng kinh tế, cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống cho người dân, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2010, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, chính sách hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn (NQ 30a)… Những thành tựu đó tạo được sự đồng thuận trong xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Năm 2011, bất ổn về kinh tế, lạm phát cao cộng với hậu quả nặng nề của thiên tai bão lụt, nên đời sống người dân nói chung, nhất là người nghèo gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về những giải pháp điều hành phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình mới, trong đó thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công nhưng ưu tiên tập trung chỉ đạo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo hiện hành. Chính vì vậy, kết thúc năm 2011, tỷ lệ nghèo cả nước giảm trên 2% còn 14%. Với kết quả này, công tác giảm nghèo năm 2011 hoàn thành được mục tiêu Quốc hội đề ra. Ông Ngô trường Thi, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình giảm nghèo, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho biết: Chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ Việt Nam tập trung cho năm 2011 như: hỗ trợ cho hộ nghèo, hỗ trợ khó khăn cho những hộ có thu nhập thấp, trong đó có hộ nghèo; hỗ trợ về bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí và hỗ trợ nhà ở và tiếp tục cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, với tổng số tiền là gần 3.300 tỷ đồng đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo trong năm 2011. Ông Ngô Trường Thi cho rằng: “Năm 2011, Chính phủ ưu tiên bố trí phần nguồn lực để tiếp tục thực hiện những nội dung chủ yếu của chương trình giảm nghèo năm 2006- 2010 với kinh phí tăng gấp hơn 2 lần, nhằm tiếp tục hỗ trợ, đầu tư 62 huyện nghèo trong cả nước. Ngoài ra trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo đã huy động được từ nguồn lực thông qua Quỹ ngày vì người nghèo là hơn 6000 tỷ đồng và các doanh nghiệp hỗ trợ cho các huyện nghèo là hơn 5000 tỷ đồng để thực hiện NQ 30a. Tôi cho rằng nguồn lực ưu tiên của CP cũng như nguồn vận động của cộng động xã hội cũng đã giúp cho huyện nghèo cả nước giảm bớt khó khăn. So với năm 2010, đây là phương án lớn của Chính phủ cũng như của toàn xã hội dành cho lĩnh vực giảm nghèo”.
Trong chiến lược giảm nghèo tại Việt Nam, công tác hạn chế tái nghèo là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ quan tâm. Trợ cấp cho gần 2,5 triệu đối tượng nghèo của cả nước; hỗ trợ cho đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp để hộ nghèo có thu nhập cộng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo như chính sách về y tế, giáo dục, tín dụng, nhà ở...là những yếu tố tích cực tác động tổng hợp hạn chế tình trạng tái nghèo trong năm qua. Bên cạnh đó, Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2011-2020 tập trung ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, đó là các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi dân tộc, xã biên giới, các thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, được triển khai thực hiện góp phần thúc đẩy cải thiện về đời sống người dân ở địa bàn khó khăn nhằm giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, giữa các địa bàn trong cả nước. Ông Hoàng Trí Thức, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Tôi cho rằng đây là chính sách quan trọng nhất, có ý nghĩa, nhất là trong việc hướng đến hỗ trợ hộ nghèo, huyện nghèo, địa bàn khó khăn. Những chính sách này thực sự đã đi vào lòng dân và đã huy động được sức mạnh tổng hợp của tất cả tầng lớp nhân dân, ở khu dân cư cùng tham gia giúp đỡ những gia đình nghèo, gia đình có công”.
Trong hơn 10 năm qua, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đạt được có sự đóng góp có hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ diễn ra trung tuần tháng 12, tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế đánh giá cao về định hướng giảm nghèo bền vững mà chính phủ Việt Nam đề ra và coi đó là cái khung để dựa vào đó, các tổ chức quốc tế xây dựng kế hoạch hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong những năm tới. Nói về vấn đề này, ông Ngô Trường Thi cho biết: “Hiện nay, các tổ chức quốc tế cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho giảm nghèo Việt Nam đến 2015. Chúng tôi đã có dịp trao đổi, thảo luận với các tổ chức EU, WB, UNDP và các đối tác phát triển khác. Họ đang hướng vào các khung giảm nghèo chung Việt Nam để xây dựng khung hoạt động nhằm hỗ trợ, đầu tư những địa bàn nghèo nhất, thôn, bản, vùng dân tộc miền núi của Việt Nam. Các tổ chức quốc tế cũng đang hướng tới sẽ hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề nâng cao năng lực để tổ chức có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp, trao quyền cho cơ sở, cho người dân trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đặc biệt họ nhấn mạnh đến tính minh bạch và công khai giải trình trong tổ chức thực hiện giảm nghèo ở Việt Nam.
Xác định quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo là quá trình thực hiện lâu dài và bền bỉ, là trách nhiệm của Chính phủ cũng như của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo năm 2012 tiếp tục được Chính phủ đầu tư, trong đó nhấn mạnh đến: việc thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo; xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nghèo, xã nghèo; đồng thời nâng cấp, cải tạo các tuyến trục giao thông nối vùng nghèo, xã nghèo với nơi khác, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng nghèo, vùng khó khăn phát triển. Đi đôi với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục tạo nguồn lực cần thiết để dân cư ở các vùng nghèo, xã nghèo đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề, tăng nhanh thu nhập…nhằm nâng dần mức sống của các hộ đã thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 xuống còn 10-11%; tránh tình trạng tái nghèo trên địa bàn cả nước./.
Thu Hằng