Tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế - những đề xuất thiết thực từ nghị trường

(VOV5)- Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội hôm qua, bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam cũng những định hướng phát triển trong thời gian tới đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập.


 Tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế - những đề xuất thiết thực từ nghị trường - ảnh 1

Xây dựng chiến lược phát triển dài hơn

Về tổng thể, nhiều đại biểu nhận định rằng năm 2013 nền kinh tế chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Điều này không chỉ thể hiện ở tốc độ tăng trưởng chậm mà còn ở sự phục hồi và khả năng hấp thụ vốn kém của nền kinh tế. Do đó cần có chính sách hợp lý để chấm dứt tình trạng này.

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ nên xây dựng chiến lược phát triển dài hơn, không nên tách riêng năm 2014 để lập kế hoạch mà phải tính tới trung hạn, cho cả giai đoạn 2014-2015.

Cụ thể nên đặt chỉ tiêu mức tăng trưởng bình quân trong 2 năm khoảng 6%, không nên nóng vội thúc đẩy tổng cầu và thị trường bằng mọi cách. Chỉ số giá tiêu dùng trong 2 năm tới cần phấn đấu kiềm chế ở mức khoảng 7%. Chính phủ đã đề nghị tăng bội chi ngân sách trong 2 năm 2014 - 2015 lên 5,3%. Điều này nhất thời thì được nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tháo gỡ khó khăn trong tăng tín dụng. Nếu tín dụng không tăng lên được khoảng 15% thì nền kinh tế khó thoát khỏi trì trệ.”

Lập uỷ ban chuyên trách về tái cơ cấu  

Về vấn đề tái cơ cấu, cụ thể là ở 3 lĩnh vực quan trọng là đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, dù đã được Chính phủ tiến hành nhưng theo các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị cần lập một Ủy ban chuyên trách về tái cơ cấu. Uỷ ban sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2014 với thành phần gồm có thành viên của Quốc hội, các tổ chức, định chế định giá, giám sát độc lập.

Ông Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ và đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy đầu tư công. Trong khi đó, ở lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước, ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục kiến nghị nếu nhà nước muốn tiến hành cổ phần hóa, doanh nghiệp nào không cần nắm giữ cổ phần thì phải dứt khoát lấy phần vốn đó đi sử dụng cho việc khác.                  

 “Chúng ta đi cổ phần hóa công ty con rồi giao tiền về cho công ty mẹ thì làm sao hiệu quả. Theo tôi, Tập đoàn nào Nhà nước cần giữ 51% thì giữ còn 49% thì bán đi. Muốn sắp xếp lại phải nhìn trên tổng thể từng nhóm, những lĩnh vực nhà nước cần đầu tư định hướng cho thị trường, then chốt rồi dồn lực lại. Nếu không nguồn lưc này bị lãng phí trong khi chúng ta làm bệnh viện, dự án công vẫn phải đi vay tiền”.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được triển khai có hệ thống hơn. Ông Trần Xuân Hoà, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng :“Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 3, khoá XI đề cập vấn đề tái cơ cấu là hoàn toàn đúng đắn nhưng những giải pháp tiếp theo để thực hiện chưa đồng bộ. Do đó cần có sự khắc phục sớm để thực thi tái cơ cấu hiệu quả hơn, phải cùng lắng nghe từ nhiều phía.”

Về việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 – 2015), thời gian còn lại là không nhiều, tuy nhiên, theo nhiều đại biểu không nên vì thế mà Chính phủ nôn nóng kích thích tổng cầu, đẩy tăng trưởng nóng. Vấn đề chất lượng phải được đặt ra và ổn định vĩ mô là hàng đầu.

Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm trong 2 năm 2014 - 2015. Những đề xuất của các đại biểu Quốc hội cùng với những giải pháp, sự điều hành của Chính phủ sẽ góp phần giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng vững chắc hơn trong thời gian tới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác