(VOV5) - Mục tiêu của đối thoại là tìm ra những khó khăn trong phát triển kinh tế tư nhân, từ đó Chính phủ có biện pháp tháo gỡ.
Cuối tuần qua, lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại với 14 Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế tư nhân thay vì với doanh nghiệp nói chung hoặc khối doanh nghiệp Nhà nước như trước đây. Mục tiêu của đối thoại là tìm ra những khó khăn trong phát triển kinh tế tư nhân, từ đó Chính phủ có biện pháp tháo gỡ. Trước đối thoại, Chính phủ cũng tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề, các Bộ, ngành chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo để tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển.
Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Điều đó được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 khi nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế”. Mặc dù vậy thực tế, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn về môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực sản xuất…Chính phủ khẳng định sẽ nỗ lực xoá bỏ mọi rào cản, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng hướng.
Vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam
Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Những cỗ máy tăng trưởng ở mọi tỉnh, thành phố, với tiềm năng, thế mạnh riêng có, chủ yếu từ kinh tế tư nhân. Từ năm 2010 trở lại đây, kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế Nhà nước là khoảng 28,9%. Khu vực tư nhân Việt Nam đang tạo ra doanh thu nhiều gấp 3 lần so với doanh nghiệp Nhà nước.
Thủ tướng với các nữ doanh nhân. Ảnh: Thu Hằng/Vietnamnet |
Điều này cho thấy chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá:Trước đây không có những tập đoàn lớn như hiện nay, và chưa khi nào nói kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho sự phát triển. Đến khi có đổi mới của Nghị quyết Trung ương 5. Ở Việt Nam hiện nay gần nửa triệu doanh nghiệp thì cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chỉ 0,5%, và doanh nghiệp tư nhân tới 96,7%. Có thể nói doanh nghiệp tư nhân chiếm một vị thế gần như tuyệt đối về số lượng. Và điều rất đáng mừng, nhiều tập đoàn, tổng công ty tư nhân rất thành công.
Cách đây gần 2 tháng, khi chủ trì Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017 với sự tham gia của khoảng 1.000 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân từ 43% lên 50 - 60% GDP của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân và “những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”.
Gỡ dần các rào cản
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cuộc xúc tiến đầu tư và các sự kiện đối thoại với doanh nghiệp. Từ đó một loạt cải cách chính sách đã được ban hành, những tồn tại của nền kinh tế được nhận diện như nợ xấu, ngân hàng yếu kém, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thanh kiểm tra…giúp môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện. Ví dụ rõ nét nhất cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy giảm chi phí cho doanh nghiệp đó là yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất. Cụ thể hệ thống ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất ở mức 0,5%/năm, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp. Tới đây, các chi phí khác như bảo hiểm, BOT… cũng sẽ được rà soát để giảm cho doanh nghiệp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định:Giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức. Trong đó có các giải pháp giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT, giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng, giảm tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30-35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.
Công nhân Công ty CP Tam Kỳ (Thái Bình) tham gia sản xuất bao bì PP-PE để cung ứng cho các làng nghề và khu công nghiệp trong tỉnh. Ảnh: nhandan.com.vn |
Mới đây nhất, việc Bộ công thương quyết định cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh của Bộ là bước đi cụ thể của việc giảm chi phí cho doanh nghiệp. Việc cắt giảm thủ tục tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, qua đó đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Ngoài vấn đề về phí, việc cải cách thủ tục hành chính, một trong những rào cản môi trường kinh doanh và mối lo ngại của doanh nghiệp cũng đang được đẩy mạnh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết:Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Hội đồng này có 2 nhiệm vụ cơ bản là kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đề xuất kiến nghị cải cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thứ hai là đánh giá việc cải thiện thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là cải tiến theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới đặt ra về cải thiện môi trường kinh doanh.
Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nòng cốt để phát triển nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ. Việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững đang từng bước được Chính phủ triển khai. Hiệu quả của quá trình này góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.