(VOV5) - Kinh tế khu công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển vì làn sóng dịch chuyển sản xuất đang tìm đến những thị trường tiềm năng.
Những năm gần đây, tính trung bình lượng vốn đầu tư nước ngoài FDI đổ vào các khu công nghiệp chiếm khoảng 40% tổng vốn FDI tăng thêm của cả nước. Kinh tế khu công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển vì làn sóng dịch chuyển sản xuất đang tìm đến những thị trường tiềm năng.
Kinh tế khu công nghiệp còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 chủ đề “Khơi thông làn sóng đầu tư mới”, diễn ra ngày 12/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Long An, cho biết: Hiện tỉnh có 37 khu công nghiệp với diện tích hơn 12.000 ha, thu hút hơn 1.700 dự án đầu tư, trong đó có 836 dự án FDI với tổng vốn gần 5,5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Thành Thanh cho rằng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI, cần tăng thời gian thuê mặt bằng sản xuất.
ông Nguyễn Thành Thanh cho biết thêm: "Thời gian cho thuê không phải là 50 năm, mà tính thời gian của khu công nghiệp cũ, thường chỉ còn trên dưới 30 năm. Kiến nghị Trung ương nên nghiên cứu và tạo điều kiện, những khu công nghiệp mở rộng này thời gian giao đất lần đầu tính là 50 năm".
Ông Nguyễn Bay – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, nêu ý kiến: Chính phủ nên phân cấp mạnh hơn nữa về thủ tục cấp phép cho địa phương. Trong đó có thẩm quyền quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, thành lập khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, cần giảm bớt tỷ lệ thu hút lấp đầy của khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Bay cho biết: "Có những chính sách thông thoáng, quyết liệt, giao cho chính quyền địa phương. Trong đó có lựa chọn về chủ đầu tư, đội đầu tư và nhà ở cho công nhân. Đã là nhà ở cho công nhân thì thuộc diện như nhà ở xã hội, giao quyền cho lãnh đạo tỉnh chỉ định đơn vị có năng lực. Không phải đưa ra tổ chức đấu thầu, đấu giá rồi lựa chọn".
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn quy trình, thủ tục thực hiện ngắn, đơn giản trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, khi có khó khăn, vướng mắc thì Trung ương và địa phương chung tay cùng đồng hành để hỗ trợ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị: "Có những tỉnh làm rất tốt, nhưng có những tỉnh triển khai chưa được như kỳ vọng. Vấn đề của chúng ta là có quy trình thì làm sao thực hiện từng bước rút ngắn nhất. Có như thế mới giúp cho các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án".
Phát triển kinh tế khu công nghiệp sẽ tạo động lực thúc đấy quá trình công nghiệp hóa, đổi mới công nghệ và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Để mở rộng cửa đón doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách dành cho khu công nghiệp là rất cần thiết. Đồng thời, các địa phương cũng cần nâng cao năng lực thu hút đầu tư.