(VOV5)- Một sự kiện thu hút sự chú ý của công luận thế giới năm 2012 là vấn đề an ninh trên biển. Những căng thẳng mới nảy sinh liên quan đến chủ quyền biển, nổi cộm nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã làm khuấy động quan hệ bang giao giữa các nước. Chủ quyền biển đảo cũng là một trong những chủ đề “nóng nhất” trên các diễn đàn quốc tế năm 2012.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tháng 8/2012, bầu không khí trên biển Hoa Đông đột ngột nóng lên khi Nhật Bản và Trung Quốc đối đầu nhau cả bằng phát ngôn lẫn hành động xung quanh việc đòi chủ quyền quần đảo mà Nhật Bản gọi là Sensaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Căng thẳng khởi phát sau khi Nhật Bản bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động xã hội của Hồng Kông (Trung Quốc) đặt chân lên quần đảo này. Vụ việc chưa kịp lắng thì chỉ vài ngày sau một đoàn 150 người thuộc đảng cánh hữu ở Nhật Bản lại rầm rộ kéo đến đảo để cắm quốc kỳ Nhật Bản và hát quốc ca. Nhưng đỉnh điểm của mâu thuẫn phải là từ khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa 3 trong số các hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp. Kể từ đó đến nay, hai bên liên tục lời qua tiếng lại và tàu Trung Quốc cũng không ngừng ra vào vùng biển quanh quần đảo này, bất chấp sự “cảnh báo” của lực lượng tuần duyên Nhật Bản.Không chỉ trên biển, Tokyo còn cáo buộc máy bay của Bắc Kinh còn tiến vào không phận vùng tranh chấp và để đáp trả Nhật Bản cũng đã điều động máy bay tiêm kích F-15 ngăn chặn. Một loạt các động thái này đã đẩy quan hệ ngoại giao hai nước xuống mức xấu nhất trong vòng vài năm trở lại đây, thậm chí hai bên đã quyết định hủy một loạt các sự kiện kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hủy bỏ các cuộc gặp song phương cấp cao.
Cùng thời điểm này, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng “đi vào vùng thời tiết xấu”. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak dẫn đầu một nhóm quan chức ra đảo Dokdo, hiện do Hàn Quốc quản lý, mà phía Nhật Bản cũng tuyên bố có chủ quyền dưới tên gọi Takeshima, đã gây phản ứng dữ dội từ phía Nhật Bản. Bất chấp điều đó, chỉ 3 ngày sau, một nhóm nhà hoạt động Hàn Quốc tiếp tục tổ chức một cuộc bơi tiếp sức từ một cảng phía Đông tới nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Hàn Quốc còn công khai công bố kế hoạch tập trận hỗn hợp hải - lục - không quân và cảnh sát biển với sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay quân sự Hàn Quốc nhằm thể hiện bảo vệ quần đảo Dokdo trước nguy cơ bị các tàu nước ngoài tấn công. Hai bên còn định đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa án công lý quốc tế để phân xử. Đã có lúc dư luận tưởng chừng sẽ xảy ra xung đột quân sự giữa hai cường quốc ở Đông Bắc Á.
Cùng với khu vực biển Hoa Đông, biển Đông nằm ở vị trí tiếp giáp với 1 số nước trong khu vực Đông Nam Á, được xem như “trái tim hàng hải” của khu vực này, năm qua cũng liên tục “dậy sóng” bởi những tuyên bố chủ quyền của các bên liên quan. Sức hấp dẫn của Biển Đông ở thương mại, năng lượng cũng như ý nghĩa chiến lược toàn cầu chính là ngòi nổ cho những xung đột trong năm qua. Đã có không ít cuộc hội thảo, diễn đàn lớn nhỏ trong năm 2012 bàn về vấn đề an ninh trên biển Đông, không chỉ trong phạm vi khu vực mà vấn đề này còn “nóng” trên bàn nghị sự của các diễn đàn toàn cầu như Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế Á-Âu, Hội nghị cấp cao Đông Á… Bầu không khí trên biển ở khu vực này hết sức căng thẳng, có những thời điểm dư luận lo ngại chỉ một động thái khiêu khích nhỏ cũng có thể thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh. Dù năm qua xung đột lớn về quân sự chưa xảy ra nhưng nguy cơ về một cuộc chạy đua quân sự đã hiện hữu rõ rệt. Ngân sách dành cho quân sự của các nước đã tăng vọt và cùng với đó là những cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ. Cuộc ganh đua cho phạm vi ảnh hưởng và vị trí tối thượng trên biển thông qua các cuộc tập trận hải quân, các đợt huấn luyện bắn đạn thật trên biển với quy mô hoành tráng, các vụ khoe tầu chiến, tầu ngầm, hàng không mẫu hạm… xuất hiện với tần suất dày đặc.
Có thể thấy, an ninh biển là vấn đề nổi cộm năm qua ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Không khó để nhận ra rằng những tuyên bố chủ quyền chồng chéo của các nước trong khu vực biển nổi lên đúng vào thời điểm “nhạy cảm”. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên trong nước ngày càng cạn kiệt, rất nhiều quốc gia tất yếu đang phải hướng về đại dương, vốn chiếm tới 70% diện tích hành tinh, nhằm thỏa mãn cơn khát năng lượng đang lớn hơn bao giờ hết. Thế nhưng, vượt trên tất cả, xu hướng hợp tác về kinh tế và thương mại vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh quan hệ chính trị tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Những căng thẳng liên quan đến tranh chấp biển hiện nay chỉ là những bước lùi tạm thời trong các mối bang giao, khi mà vừa hợp tác, vừa cạnh tranh luôn là cuộc đua đầy phức tạp và mỗi quốc gia có những lý do riêng để bảo vệ những lợi ích của mình./.