Thế giới chạy đua ngăn Lebanon rơi vào vực chiến tranh

(VOV5) - Trước nguy cơ một cuộc chiến toàn diện có thể đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào hỗn loạn, cộng đồng quốc tế đang khẩn cấp tiến hành các chiến dịch ngoại giao nhằm tháo ngòi nổ. 

Các cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất trong gần 20 năm qua giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon đang đẩy quốc gia này đến bờ vực một cuộc chiến toàn diện khốc liệt mới, trong bối cảnh xung đột bế tắc gần 1 năm qua tại dải Gaza đã gây nên các hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực.

Sự đối đầu giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon tăng nhiệt kể từ khi xung đột tại dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas, đồng minh của Hezbollah, bùng phát tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, hai bên tiến gần đến bờ vực một cuộc chiến toàn diện trong những ngày gần đây sau một loạt các động thái leo thang bạo lực.

Leo thang toàn diện

Các động thái leo thang nghiêm trọng trong cuộc đối đầu Israel – Hezbollah bắt đầu từ ngày 17/09, khi xảy ra hàng loạt vụ nổ thiết bị liên lạc trên lãnh thổ Lebanon, gồm máy nhắn tin và bộ đàm, những thiết bị vốn được nhiều thường dân cũng như thành viên lực lượng Hezbollah sử dụng. Các vụ nổ này sát hại gần 40 người và khiến hơn 3.000 người bị thương. Dù phía Israel không có bất kỳ bình luận nào về các vụ việc này nhưng giới quan sát nhận định đây là sự tấn công trực diện nhằm vào Hezbollah và các nhóm trong “Trục kháng chiến” đối địch với Israel tại khu vực. Tiếp đó, quân đội Israel mở chiến dịch không kích dữ dội vào nhiều địa điểm tại Lebanon. Theo thông tin từ quân đội Israel, tính đến 26/09, không quân nước này đã tấn công hơn 1.600 mục tiêu được cho là có liên quan đến Hezbollah ở miền Nam Lebanon và thủ đô Beirut, phá huỷ nhiều hạ tầng quân sự và hạ sát ít nhất 3 chỉ huy cấp cao của lực lượng này.

Nghiêm trọng hơn, các cuộc không kích này đã cướp đi sinh mạng của gần 700 thường dân Lebanon, mức độ thương vong thường nhật lớn nhất kể từ cuộc nội chiến tại Lebanon cách đây hơn 3 thập kỷ. Để đáp trả, lực lượng Hezbollah cũng phóng hàng trăm rocket, thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel, trong đó có vụ việc lần đầu tiên tên lửa đạn đạo của Hezbollah vươn tới thủ đô Tel-Aviv hôm 25/09. Theo giới quan sát, mức độ leo thang nghiêm trọng và nhanh chóng hiện nay trên thực tế đã đẩy hai bên vào giai đoạn đầu của một cuộc chiến toàn diện. Khaldoun Barghouti, chuyên gia nghiên cứu về Israel, đánh giá đây là sự leo thang có tính toán từ phía lãnh đạo Israel trong bối cảnh xung đột tại Gaza bế tắc: “Việc leo thang dọc biên giới với Lebanon khiến nhiều người Israel, bao gồm cả gia đình của các con tin, tin rằng vấn đề về thảo thuận với Hamas đã bị lãng quên và sự tập trung hiện nay chuyển sang mặt trận phía Bắc Israel và việc chuyển quân từ Gaza lên phía Bắc”.

Trong khi đó, chuyên gia Andreas Krieg từ Trường nghiên cứu an ninh (Anh), cho rằng Israel muốn thay đổi thực trạng ở miền Bắc, đẩy lực lượng Hezbollah ra xa biên giới để có thể đưa dân chúng nước này ở miền Bắc quay về nhà. Tuy nhiên, Andreas Krieg nhận định đây là một tính toán nhiều rủi ro: “Đây là một chiến dịch với cái giá đắt mà kết quả tốt nhất là có thể đạt được các mục tiêu chiến dịch và quân sự nhưng khó lòng hoàn thành bất kỳ mục tiêu chiến lược nào, vì Hezbollah sẽ không bị đánh bật khỏi Lebanon và Hezbollah sẽ không bị tiêu diệt”.

Cơ hội mong manh cho ngoại giao

Trước nguy cơ một cuộc chiến toàn diện có thể đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào hỗn loạn, cộng đồng quốc tế đang khẩn cấp tiến hành các chiến dịch ngoại giao nhằm tháo ngòi nổ. Tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc khoá 79 (UNGA-79) đang diễn ra tại New York (Mỹ), lãnh đạo các quốc gia và tổ chức quốc tế đều cảnh báo một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah sẽ gây ra các hậu quả không thể tưởng tượng cho toàn bộ  khu vực, không chỉ bởi xung đột đẫm máu tại Gaza chưa thấy hồi kết mà còn vì các rủi ro lôi kéo nhiều lực lượng, thậm chí quốc gia khác trong và ngoài khu vực, vào cuộc chiến. Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres tuyên bố: “Chúng tôi có một lời kêu gọi rõ ràng với tất cả các bên, đó là hãy chấm dứt việc giết chóc và phá huỷ, hạ thấp các giọng điệu đe doạ và lùi bước khỏi bờ vực chiến tranh. Cần phải tránh một cuộc chiến toàn diện bằng mọi giá, bởi đó chắc chắn sẽ là một thảm hoạ toàn dện”.

Động thái ngoại giao đáng chú ý nhất đến nay là đề xuất được Pháp-Mỹ đưa ra hôm 25/09, theo đó các bên thực thi ngừng bắn trong 21 ngày để có thời gian cho các đàm phán ngoại giao. Tuy nhận được sự ủng hộ lớn từ nhiều nước nhưng đề xuất này lại không được Israel và Hezbollah chấp nhận vào thời điểm này. Trong tuyên bố đưa ra hôm 26/09, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tuyên bố quân đội nước này sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công tổng lực nhằm vào Hezbollah, trong khi Hezbollah vẫn chưa có phản ứng nào với đề xuất. Theo chuyên gia Andreas Krieg, mấu chốt tháo ngòi nổ tại Lebanon hiện nay vẫn nằm ở việc chấm dứt xung đột tại Gaza bởi lực lượng Hezbollah khó có thể chấp nhận bất cứ đề nghị đàm phán hay thoả thuận nào với Israel chừng nào xung đột tại Gaza vẫn tiếp diễn và chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn tuyên bố không nhượng bộ bất kỳ điều gì tại Gaza.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác