(VOV5) - Vòng đàm phán thứ 4 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4), diễn ra từ 23-29/04 tại thủ đô Ottawa (Canada).
Lãnh đạo nhiều quốc gia và tập đoàn lớn trên thế giới, hôm 23/04, bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo của Hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa tại thành phố Ottawa (Canada), với quyết tâm thu hẹp bất đồng để đạt mục tiêu thông qua được Hiệp ước vào cuối năm nay.
Vòng đàm phán thứ 4 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4), diễn ra từ 23-29/04 tại thủ đô Ottawa (Canada), là vòng đàm phán áp chót của các bên tham gia xây dựng Hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa (Hiệp ước), văn bản pháp lý có tính ràng buộc đầu tiên trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa trên thế giới.
Thế giới hiện đang thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Ảnh minh họa: Reuters |
Hiệp ước quan trọng nhất sau Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu
Ý tưởng về việc xây dựng 1 Hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa lần đầu tiên được các quốc gia thống nhất triển khai tại phiên họp Đại hội đồng Môi trường Liên hiệp quốc (UNEA) vào tháng 3/2022, theo đó các quốc gia sẽ cùng xây dựng 1 Hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý để ngăn chặn và tiến tới loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm nhựa trên trái đất. Theo lộ trình được Liên hiệp quốc (LHQ) đề ra, có 5 vòng đàm phán được tiến hành và mục tiêu là Hiệp ước sẽ chính thức được ký kết vào cuối năm nay. Theo Giám đốc điều hành (GĐĐH) của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), bà Inger Andersen, đây sẽ là thỏa thuận quốc tế quan trọng nhất mà thế giới đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ sau Hiệp định Paris 2015, bởi ô nhiễm nhựa đang là 1 trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt.
Theo số liệu của UNEP, hiện thế giới sản xuất 400 triệu m3 nhựa mỗi năm và chỉ có khoảng 10% được tái chế. Nếu không có các biện pháp hạn chế, sản lượng nhựa trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 vào năm 2060, khi các công ty dầu mỏ tìm cách đa dạng hóa nguồn thu bằng các sản phẩm nhựa, vốn có liên hệ mật thiết với ngành hóa dầu, trước áp lực hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, ngành công nghiệp nhựa đang chiếm 5% phát thải khí carbon toàn cầu mỗi năm và sẽ tăng lên mức 20% vào năm 2050 với nhịp độ sản xuất hiện nay. Nghiêm trọng hơn, theo các nghiên cứu của UNEP, có khoảng 13.000 loại hóa chất được tìm thấy trong các sản phẩm nhựa và khoảng 1/4 trong số này có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người. Do đó, theo bà Inger Andersen, Hiệp ước mà LHQ đang nỗ lực xây dựng sẽ mang lại cho các quốc gia một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết ô nhiễm nhựa: “Hiệp ước này không phải là 1 công cụ để xử lý vấn đề ô nhiễm nhựa chỉ từ việc tái chế hay quản lý chất thải nhựa, mà là xử lý cả vòng đời của sản phẩm nhựa. Điều đó có nghĩa là cần phải đánh giá lại toàn bộ dây chuyền, từ polymer cho đến sản xuất, từ sản phẩm đến việc đóng gói”.
Hiện tại, sau 3 vòng đàm phán, Hiệp ước chưa đạt được nhiều tiến bộ. Tại vòng đàm phán mới nhất (INC-3), diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya, từ 13-19/11 năm ngoái, các bên tham gia đàm phán đã phải mở rộng văn bản dự thảo Hiệp ước từ 30 trang lên 70 trang do có nhiều vấn đề gây tranh cãi, đồng thời nhiều quốc gia yêu cầu phải ghi nhận việc phản đối những mục tiêu nhiều tham vọng vào trong dự thảo Hiệp ước. Do đó, tại INC-4 diễn ra trong tuần này tại Ottawa, hơn 3.500 lãnh đạo các quốc gia, tập đoàn, tổ chức vận động hành lang cùng các nhà khoa học và chuyên gia luật sẽ phải tìm cách thu hẹp bất đồng, thống nhất được 1 số vấn đề chung trước khi diễn ra vòng đàm phán cuối mang tính quyết định (INC-5), diễn ra vào tháng 11 tới tại thành phố Busan (Hàn Quốc).
Câu hỏi về tham vọng của Hiệp ước
Tổng thống Kenya William Ruto. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Chủ tịch INC, Andres Gomez-Carrion, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc đạt được Hiệp ước là các bên chưa xác định được tham vọng của Hiệp ước ở mức độ nào. Hiện tại, nhóm các nước sản xuất nhiều sản phẩm nhựa và hóa dầu, như: Saudi Arabia, Iran, Trung Quốc… phản đối việc đưa quy định hạn chế sản xuất nhựa vào trong Hiệp ước với lí do việc hạn chế sản lượng nhựa sẽ khiến giá cả tiêu dùng toàn cầu gia tăng, tác động tiêu cực đến người dân. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của nhóm Đối tác toàn cầu về tuần hoàn nhựa (GPPC), nơi tập hợp nhiều tập đoàn nhựa và hóa chất của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, một nhóm khác gồm hơn 60 quốc gia, được gọi là “Liên minh tham vọng cao”, do Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và một số quốc gia khác dẫn dắt, muốn Hiệp ước hạn chế sản lượng nhựa trên toàn cầu, giảm thiểu việc sử dụng nhựa sơ cấp, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và cấm 1 số hóa chất phụ gia. Mỹ, 1 trong những những quốc gia sử dụng nhiều sản phẩm nhựa nhất thế giới, ủng hộ tham vọng chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nhưng muốn các quốc gia tự đề ra lộ trình, thay vì quy định bắt buộc trong Hiệp ước.
Theo Tổng thống Willam Ruto của Kenya, nước chủ nhà của INC-3 và là một trong những quốc gia tích cực nhất trong “Liên minh tham vọng cao”, để tìm được tiếng nói chung, các quốc gia cần có chung một cách tiếp cận khi xây dựng Hiệp ước, đó là hướng đến việc thay đổi toàn bộ thói quen nhiều thập kỷ qua trong việc sử dụng nhựa: “Để đối phó với ô nhiễm nhựa, nhân loại cần thay đổi. Chúng ta phải thay đổi cách chúng ta tiêu dùng, cách chúng ta sản xuất, cách chúng ta xử lý rác thải. Thay đổi là điều không thể tránh khỏi và Hiệp ước mà chúng ta đang xây dựng chỉ là mắt xích đầu tiên của sự thay đổi này”.
Ngoài các tranh cãi giữa các quốc gia, một yếu tố khác mà các bên tham gia đàm phán Hiệp ước phải tính đến là vai trò của các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng đa quốc gia và các nhóm vận động hành lang, xuất hiện rất đông tại INC-4. Theo giới quan sát, có thể thúc đẩy việc sớm đạt được Hiệp ước nếu các tập đoàn này chấp nhận đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn trong việc đóng gói, sử dụng, tái sử dụng hoặc hạn chế sản phẩm nhựa.