(VOV5) - Tính đến thời điểm này, đã có gần 100 người thiệt mạng, trong đó có cả các nhân viên Liên hợp quốc.
Những ngày qua, thế giới luôn theo sát mọi diễn biến chính trị và an ninh tại Sudan, nơi đang xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân đội và Tổ chức bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF). Tính đến thời điểm này, đã có gần 100 người thiệt mạng, trong đó có cả các nhân viên Liên hợp quốc. Các nỗ lực ngoại giao đang được triển khai nhằm kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tạo cơ hội cho đối thoại để ổn định tình hình.
Khói bốc lên tại một địa điểm giao tranh ở Sudan ngày 15/4. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm hôm 15/4 với các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội và RSF tại nhiều địa điểm trên toàn quốc, trong đó có cả Thủ đô Khartoum. RSF tuyên bố giành quyền kiểm soát hoàn toàn Phủ Tổng thống, tư dinh của Tham mưu trưởng lực lượng quân đội cũng như các sân bay. Về phần mình, quân đội Sudan bác bỏ thông tin của RSF. Cho tới nay, thông tin về những gì đang xảy ra trên thực địa tại Sudan vẫn tương đối mù mờ và chưa rõ đất nước đang nằm dưới quyền kiểm soát của phe phái nào.
Nguồn gốc nội chiến Sudan
Các cuộc đụng độ hiện nay có nguồn gốc từ mâu thuẫn giữa các phe phái cầm quyền tại quốc gia Bắc Phi này. Từng là đồng minh cùng tham gia đảo chính giành chính quyền vào năm 2019, quân đội Sudan và RSF tại Sudan giờ đây lại nổ súng vào nhau để tranh giành ảnh hưởng.
Khói đen bốc lên sau khi xảy ra đụng độ tại Thủ đô Khartoum ngày 15/4. Ảnh: AP |
Quân đội Sudan trung thành với tướng Abdel Fattah al-Burhan, còn lực lượng RSF do tướng Hemetti lãnh đạo. Trong chính quyền quân sự được thành lập sau đảo chính, tướng Al-Burhan giữ vai trò lãnh đạo, trong khi tướng Hemetti giữ vai trò phó lãnh đạo. Tuy vậy, mâu thuẫn giữa hai bên đã nổi lên trong thời gian qua liên quan tới kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. RSF muốn quá trình kéo dài 10 năm, trong khi quân đội muốn tiến trình này thực hiện trong vòng hai năm. Lực lượng RSF được thành lập năm 2003 dưới thời cựu Tổng thống Al-Bashir, với tiền thân là một số lực lượng dân quân. Tới năm 2017, ông Al-Bashir đặt RSF dưới quyền quản lý của quân đội, nhưng vẫn cho phép lực lượng này giữ quyền tự chủ với hệ thống chỉ huy riêng. Việc sáp nhập RSF vào quân đội là một phần của thỏa thuận đưa Sudan trở lại sự kiểm soát của chính phủ dân sự, vốn được Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Liên Hợp Quốc và Mỹ bảo trợ cuối năm ngoái.
Gần đây, mâu thuẫn mới cũng nảy sinh giữa hai bên liên quan đến việc lựa chọn bộ máy lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang chung của Sudan trong thời kỳ sáp nhập. Phía Quân đội muốn cơ quan lãnh đạo bao gồm các thành viên của lực lượng vũ trang, tuy nhiên RSF lại yêu cầu cơ quan lãnh đạo phải trực thuộc một tổng thống dân sự. Mâu thuẫn về quan điểm giữa hai lực lượng vũ trang ở Sudan đã dẫn đến việc các bên tham gia tiến trình chính trị hoãn ký kết một thỏa thuận cuối cùng được quốc tế ủng hộ (dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 vừa qua) quy định về tiến trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ ở Sudan. Việc hoãn ký kết thỏa thuận chính trị cuối cùng vô thời hạn được coi là “giọt nước làm tràn ly” khiến mâu thuẫn giữa lực lượng Quân đội Sudan và RSF lên đến đỉnh điểm.
Cộng đồng quốc tế nỗ lực chấm dứt xung đột
Trở lại những diễn biến hiện nay, tình hình tại Sudan làm dấy lên lo ngại trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới Sudan. Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD, trong đó Sudan là thành viên và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong diễn biến mới nhất, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp ngày 17/4, tại New York, Mỹ, để thảo luận tình hình tại Sudan. Nhiều cuộc họp khẩn đã được tiến hành, với những lời kêu gọi các bên tham chiếnn trở lại bàn đàm phán để thu hẹp sự khác biệt, bất đồng, đặc biệt về việc sáp nhập RSF vào quân đội Sudan. Đến thời điểm này, bước tiến duy nhất đạt được là cả hai bên tham chiến ở Sudan đồng ý với đề xuất của Liên hợp quốc về việc mở một hành lang nhân đạo cho các trường hợp khẩn cấp 3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn rất mong manh khi cả hai bên đều bảo lưu quyền đáp trả nếu bên còn lại vi phạm.
Tại Ethiopia, Hội đồng An ninh và Hòa bình của Liên minh châu Phi (AU) ngày 16/4 đã nhóm họp khẩn, kêu gọi các bên tại Sudan hành động kiềm chế và trở lại bàn đối thoại. Hội đồng này đã ra tuyên bố bày tỏ quan điểm phản đối bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, vốn có thể làm phức tạp thêm tình hình ở Sudan. Một cuộc họp khẩn của Liên đoàn Arab cũng diễn ra cùng ngày, hối thúc các bên ngừng ngay lập tức tất cả các cuộc đụng độ vũ trang để bảo vệ dân thường và toàn vẹn lãnh thổ cũng như chủ quyền của Sudan. Một số quốc gia đã bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy xung đột sẽ sớm chấm dứt. Sự việc lần này được dự báo sẽ khiến bức tranh chính trị tại Sudan, vốn thường xuyên bất ổn, đặc biệt sau cuộc đảo chính năm 2019, lại càng thêm rối rắm.