(VOV5) - Đại dịch Covid-19 có thể đẩy 32 triệu người ở 47 quốc gia kém phát triển nhất thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực.
Ngày 3-4/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 tiến hành Phiên họp đặc biệt về ứng phó với đại dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến. Phiên họp có sự tham gia của lãnh đạo và giới chức khoa học của hơn 100 nước và tổ chức quốc tế lớn, được coi là nỗ lực toàn cầu mới và đáng chú ý nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch lớn nhất của loài người trong thế kỷ 21.
Báo cáo công bố ngày 3/12 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đánh giá: đại dịch Covid-19 có thể đẩy 32 triệu người ở 47 quốc gia kém phát triển nhất thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực. Đặc biệt, nếu không có các hành động quốc tế, các mục tiêu phát triển toàn cầu sẽ bị bỏ lỡ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Phiên họp ngày 3/12/2020. - Ảnh: UN |
Thúc đẩy nỗ lực toàn cầu ứng phó đại dịch Covid-19
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, đến nay đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên thế giới và làm trầm trọng thêm những thách thức dài hạn khác, trong đó có bất bình đẳng và biến đổi khí hậu. Theo cảnh báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc, thế giới có thể phải đương đầu với các tác động của dịch Covid-19 trong hàng thập kỷ tới, kể cả khi các vaccine phòng bệnh được thông qua nhanh chóng để đưa vào sử dụng.
Người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ, những tiến bộ khoa học nhanh chóng đạt được thời gian quan là đáng hoan nghênh, song tiêm chủng không phải là "liều thuốc tiên" đối phó với dịch Covid-19 đang hoành hành khắp toàn cầu. Tại đây, ông Guterres nhắc lại lời kêu gọi rằng vaccine phòng Covid-19 nên được coi là "một mặt hàng chung toàn cầu" để chia sẻ cho người dân trên toàn thế giới, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các nước để bù đắp khoản thiếu hụt 4,3 tỷ USD tài trợ ứng phó với dịch Covid-19 trong vòng 2 tháng tới.
Với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch năm ASEAN 2020 và đặc biệt được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gửi một thông điệp quan trọng tới Phiên họp. Thông điệp đề xuất 6 nội dung, trong đó đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, tăng cường phối hợp chính sách, đoàn kết hành động, đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng như nỗ lực của các thể chế đa phương trong quản trị toàn cầu nhằm đẩy lùi Covid-19; lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vaccine và thuốc điều trị Covid-19 với chi phí hợp lý.
Các đại biểu dành một phúc mặc niệm nạn nhân COVID-19 tại Phiên họp ngày 3/12/2020. - Ảnh: UN
|
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN nhất trí nhiều sáng kiến và hợp tác ứng phó COVID-19 như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực; Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN; Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi; Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống.
Nhu cầu và xu thế hợp tác đối phó đại dịch
Chỉ ít ngày trước Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 30/11, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU (AEMM) trực tuyến lần thứ 23, thảo luận về mối quan hệ trong tương lai, các vấn đề quốc tế, đặc biệt là cách thức tiến hành hợp tác đối phó đại dịch Covid-19 và tạo đà phục hồi mạnh mẽ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước ASEAN và EU đã nhất trí về tầm quan trọng của sự hợp tác tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bao gồm cả việc tiến tới đánh giá khách quan về cách thức ứng phó với đại dịch. Hai bên mong muốn tiếp tục hợp tác trong nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19 và phục hồi bền vững, phù hợp với Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN. Hội nghị cũng khuyến khích đẩy mạnh hợp tác nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng cũng như năng lực ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng hiện tại và cả trong tương lai, phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ 3 về sức khỏe và hạnh phúc.
Có thể thấy rằng, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của dịch bệnh, nhu cầu và xu thế hợp tác quốc tế đối phó đại dịch cũng ngày một tăng lên. Là quốc gia thành viên trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam mong muốn “cộng đồng quốc tế sẽ phát huy ý chí và sức mạnh của mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân. Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào hành trình cao cả đó”.