(VOV5) - Ưu tiên lớn nhất hiện nay là hạ nhiệt căng thẳng, đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức chứ không phải chạy đua thể hiện sự ủng hộ đối với bên nào.
Trước các diễn biến leo thang xung đột tại dải Gaza trong những ngày qua, cộng đồng quốc tế đang chạy đua tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng, do lo ngại xung đột sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát tại khu vực Trung Đông, đồng thời hàng triệu dân thường có thể bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 7/10. Ảnh: THX/TTXVN |
Xung đột bạo lực bùng phát tại dải Gaza sau khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel hôm 7/10, dẫn đến việc quân đội Israel phát động chiến dịch tấn công trả đũa quy mô lớn nhất trong vài thập kỷ qua. Tính đến thứ Ba (10/10), hơn 1.500 người đã thiệt mạng, hàng chục ngàn người bị thương từ cả hai phía và nguy cơ chiến sự leo thang vẫn rất trầm trọng.
Phản ứng trái chiều về xung đột
Hôm 9/10, quân đội Israel tuyên bố huy động lực lượng dự bị lên tới 300 ngàn quân để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas và phong tỏa toàn diện dải Gaza, biến dải đất này thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thủ tướng Isreal, Benjamin Netanyahu, khẳng định chiến dịch của quân đội Israel sẽ vĩnh viễn thay đổi trật tự tại Trung Đông.
Hành động đáp trả quyết liệt từ phía Israel đang tạo nên các phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế. Chính phủ nhiều nước phương Tây lên tiếng ủng hộ Israel. Hôm thứ Ba (10/10), các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã cùng ra Tuyên bố chung khẳng định ủng hộ Israel, lên án Hamas và cảnh báo các bên thứ 3 không được lợi dụng tình hình bất ổn để tìm kiếm lợi ích an ninh tại Trung Đông. Tại một số nước phương Tây khác, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ Israel cũng đã được tổ chức trong vài ngày qua.
Tuy nhiên, dù lên án các hành động bạo lực của Hamas, lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cho rằng cộng đồng quốc tế không thể có cái nhìn một chiều về xung đột tại dải Gaza hiện nay. Tổng thư ký Liên đoàn Arab, Ahmed Aboul Gheit chỉ trích thái độ của một số nước phương Tây và cho rằng ưu tiên lớn nhất hiện nay là hạ nhiệt căng thẳng, đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức chứ không phải chạy đua thể hiện sự ủng hộ đối với bên nào: “Chúng ta đã thấy quan điểm của các nước phương Tây hiện chỉ tập trung duy nhất vào sự kiện xung đột này, trong khi lại né tránh đề cập đến những nguyên nhân phía sau tình hình hiện nay tại Palestine. Điều cần thiết là phải quay trở lại với tiến trình hòa bình thật sự để có thể thành lập hai nhà nước cùng tồn tại trong hòa bình, an ninh và ổn định”.
Trong lời kêu gọi các bên kiềm chế đưa ra hôm thứ Ba (10/10), Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng cho rằng dù các e ngại về an ninh của Israel là chính đáng nhưng tình trạng bạo lực hiện nay không phải tự nhiên sinh ra mà là hậu quả của một cuộc xung đột bế tắc kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua.
Nỗ lực thiết lập đối thoại
Lo ngại về việc xung đột sẽ leo thang trầm trọng trong những ngày tới khi Israel đẩy mạnh chiến dịch tấn công vào dải Gaza và lực lượng Hamas đe dọa hành quyết những con tin người Israel, cộng đồng quốc tế đang chạy đua thiết lập đối thoại giữa các bên.
Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah El-Sisi, hôm 9/10 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng-Thái tử Saudi Arabia, Mohammed Bin Salman và Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan, để bàn giải pháp giảm căng thẳng tại dải Gaza. Ai Cập, Saudi Arabia và UAE là các quốc gia có vai trò quan trọng trong thế giới Arab và cũng đang có các kênh đối thoại thực chất với chính quyền Israel, trong đó UAE là quốc gia đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel năm ngoái còn Saudi Arabia đang thảo luận việc bình thường hóa quan hệ với Israel, thông qua trung gian của Mỹ. Iran, một cường quốc khác trong khu vực, thì kêu gọi Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) cần tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận tình hình.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayip Erdogan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lãnh đạo một số nước, như: Trung Quốc, Venez uela kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayip Erdogan, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải tất cả các bên, có thể bắt đầu bằng việc trao đổi tù binh. Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres thì cho rằng các bên cần tránh các hành động có thể khiến tình thế tại Trung Đông không thể vãn hồi:“Ngay cả trong những thời khắc tồi tệ nhất, điều khẩn thiết là phải có tầm nhìn lâu dài, tránh các hành động không thể đảo ngược có thể khiến các phần tử cực đoan thêm táo bạo hơn và hủy hoại bất cứ triển vọng nào về một nền hòa bình lâu dài”.
Trong lúc này, các mối lo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza đang lớn dần. Theo số liệu của Cơ quan công tác và cứu trợ của Liên hiệp quốc cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), tính đến hết ngày thứ Ba (10/10) đã có hơn 187 ngàn người Palestine ở dải Gaza phải bỏ nhà cửa đi tìm nơi trú ẩn do xung đột lan rộng. Tình hình hiện nay cũng buộc một số quốc gia, như: Mexico, Chile, Indonesia phải lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi dải Gaza và một số địa phương của Israel.
Giới quan sát nhận định nếu không có đối thoại khẩn cấp giữa các bên, tình hình nhân đạo ở dải Gaza sẽ tiếp tục xấu đi trong những ngày tới khi chiến sự leo thang đồng thời dải Gaza sẽ tiếp tục bị phong tỏa toàn diện, có nguy cơ bị cắt hết điện nước sinh hoạt và nguồn cung thực phẩm.