(VOV5) - Đại dịch làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt là ở các quốc gia kém hoặc đang phát triển
Đợt bùng phát mới dịch COVID-19 diễn ra ở khắp nơi trên thế giới đã đẩy hàng loạt quốc gia vào một cuộc khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng, đó là cuộc khủng hoảng về y tế. Đại dịch làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt là ở các quốc gia kém hoặc đang phát triển, buộc thế giới đang phải chung tay tìm giải pháp vượt qua, giảm thiểu tổn thất về sinh mạng.
Bên trong bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash đã quá tải ở thủ đô New Delhi, các bệnh nhân COVID-19 phải nằm ghép giường trong quá trình điều trị. Ảnh: AFP |
Theo ước tính, mỗi ngày trên thế giới đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 12.000 người. Đến nay, số người tử vong do COVID-19 trên toàn cầu là hơn 3,4 triệu người, con số này bằng dân số của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Trong đó, khoảng 7.000 nhân viên y tế tử vong, 136 triệu nhân viên chăm sóc y tế và xã hội có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi làm việc, theo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố cuối tháng 4/2021.
Gia tăng áp lực lên hệ thống y tế
Đại dịch COVID-19 hoành hành suốt hơn 1 năm qua khiến hệ thống y tế ở nhiều quốc gia kiệt quệ và quá tải. Mặc dù chiến dịch tiêm chủng vaccine đang diễn ra trên khắp thế giới nhưng không đồng đều dẫn tới tiến độ trong kiểm soát dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau. Thậm chí, ngay cả những quốc gia giàu có cũng lâm vào cuộc khủng hoảng y tế.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Colombo, Sri Lanca. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Ấn Độ, tình trạng bệnh nhân COVID-19 phải nằm ghép, nhiều bệnh viện từ chối bệnh nhân do không còn giường bệnh hay thiếu máy thở, diễn ra phổ biến. Cơ sở hạ tầng y tế yếu kém cộng thêm một số lượng đột biến bệnh nhân khiến ngành y tế nước này không thể đáp ứng. Còn tại Brazil, quốc gia đứng top 3 thế giới về số ca mắc và tử vong, hệ thống y tế của nước này phải oằn mình gánh vác hậu quả của dịch bệnh. Hàng chục bang trên toàn quốc ghi nhận tình trạng quá tải ở các phòng chăm sóc đặc biệt, tình trạng thiếu giường khiến đội ngũ y bác sĩ phải “chế” những chiếc giường bệnh bình thường thành giường chăm sóc đặc biệt để điều trị bệnh nhân nặng. Đau lòng hơn, ở nhiều bệnh viện, bệnh nhân phải điều trị trong tình trạng thiếu thuốc gây mê để đặt nội khí quản. Ủy viên Thư ký y tế Quốc gia cho biết, khoảng 1/5 số thành phố trên cả nước có nguy cơ cạn kiệt ôxy trong thời gian tới. Nhiều bác sỹ cho biết chưa bao giờ họ phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn như vậy trong hàng chục năm nay.
Những tuần gần đây, với số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, không chỉ Ấn Độ, Brazil, các bệnh viện ở nhiều quốc gia cũng lao đao do không đủ trữ lượng oxy để cung cấp cho bệnh nhân. Sự thiếu hụt oxy y tế ở thế giới nói chung dấy lên những hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc cung cấp đầy đủ oxy, một trong những yếu tố cơ bản nhất của sự sống, trong điều trị y tế.
Bên cạnh đó, đáng ngại nhất là áp lực và rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt trong đại dịch ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần của họ. Số liệu thống kê cho thấy trên toàn cầu, cứ 5 người thì có 1 nhân viên chăm sóc y tế có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng.
Nỗ lực hợp tác vượt qua khủng hoảng
Tuy nhiên, trong khó khăn khủng hoảng, thế giới vẫn chứng kiến những tín hiệu tích cực khi nhiều quốc gia đi đầu sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau vượt qua khủng hoảng. Hàng chục quốc gia đã gấp rút hỗ trợ dụng cụ cấp cứu giúp Ấn Độ vượt làn sóng COVID-19. Hàng trăm máy tạo oxy, mặt nạ thở và một lượng lớn oxy lỏng để giúp làm dịu tình hình nguy cấp tại Ấn Độ trong những ngày qua.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine ngừa COVID-19, nhằm thúc đẩy hoạt động cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. Đức mới đây cũng đưa ra sáng kiến thành lập một Trung tâm toàn cầu mới, tập hợp các cơ quan chính phủ, các tổ chức học thuật và khu vực tư nhân, nhằm khai thác dữ liệu toàn cầu phục vụ công tác dự báo và ứng phó với những rủi ro dịch bệnh tiềm ẩn trên thế giới.
Cùng với đó, các nhà nghiên cứu khoa học thế giới cũng liên tục đưa ra các thử nghiệm đem đến nhiều hy vọng cho nhân loại trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Ngày 17/5, tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp và hãng dược phẩm GSK của Anh thông báo vaccine ngừa COVID-19 mà hai hãng này đang phối hợp phát triển đã tạo phản ứng miễn dịch mạnh trong các thử nghiệm ban đầu. Các nhà khoa học quốc tế từ Viện Y tế Menzies tại Đại học Griffith (Australia) mới đây cũng tuyên bố tìm ra phương pháp mới có thể tiêu diệt 99,9% virus SARS-CoV-2 trong phổi bệnh nhân và sẽ trở thành một trong những cách chữa trị căn bệnh hiệu quả nhất.
Cho đến lúc này, mọi khó khăn và thách thức vẫn đang ở phía trước. Cuộc chiến chống COVID-19 sẽ còn nhiều cam go, thử thách đòi hỏi sự chung tay của tất cả các quốc gia và chỉ đoàn kết, hợp tác và chia sẻ, thế giới mới vượt qua được cuộc khủng hoảng này.