(VOV5) - Những thông tin đáng lo ngại về diễn biến khó lường của dịch bệnh đang liên tiếp xuất hiện ở cả trong và ngoài Trung Quốc.
Sau hơn ba tháng bùng phát, dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (còn gọi là nCoV hay Covid-19), tiếp tục diễn biến một cách khó lường và ngày càng lan rộng, khiến thế giới vẫn phải căng sức đối phó với sự thận trọng cao độ.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) tới bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 12/2/2020 - Nguồn: THX/TTXVN
|
Theo thông báo mới nhất ngày 21/2 của Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), địa phương này ghi nhận thêm 115 ca tử vong vì dịch Covid-19 trong ngày 20/2, tăng 5,6% so với ngày 19/2, nâng tổng số người chết lên 2.144. Số ca nhiễm mới tăng 411 trường hợp, tăng nhẹ so với 349 ca của ngày 19/2, đồng thời chấm dứt chuỗi 3 ngày giảm liên tiếp. Tổng số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Hồ Bắc là 62.442 người. Trên toàn thế giới, tổng số ca nhiễm bệnh lên 76.200 người và số người chết là 2.245, tập trung chủ yếu tại Trung Quốc với tâm điểm là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Nhìn vào các con số báo cáo mới nhất có thể thấy số ca tử vong và nhiễm bệnh mới tiếp tục có sự gia tăng không ổn định thời gian gần đây. Trong khi đó, những thông tin đáng lo ngại về diễn biến khó lường của dịch bệnh đang liên tiếp xuất hiện ở cả trong và ngoài Trung Quốc.
Những diễn biến đáng lo ngại
Ngày 20/2, giới chức Iran xác nhận có thêm 3 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 5 người. Trước đó một ngày, Iran thông báo 2 trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên và cả hai đã tử vong chỉ vài giờ sau đó. Điều đáng nói là, tất cả các ca nhiễm bệnh đều là người Iran và chưa từng ra nước ngoài trong một thời gian dài, làm dấy lên lo ngại về con đường và cơ chế lây nhiễm Covid-19 tại quốc gia Trung Đông này.
Tương tự, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) ngày 16/2 xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 tại vùng lãnh thổ này. Bệnh nhân là một người đàn ông ở độ tuổi 60, không hề du lịch ra ngoài Đài Loan trong thời gian gần đây. Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm dịch đã gia tăng mạnh trong ít ngày qua, tập trung chủ yếu ở thành phố Daegu, phía Nam đất nước, bất chấp nhiều nỗ lực đối phó quyết liệt của chính quyền. Tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận tại Hàn Quốc đến ngày 20/2 là 104 trường hợp, trong đó riêng hai ngày 19 và 20 có tới 73 ca nhiễm mới.
Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters
|
Còn tại chính tâm dịch Hồ Bắc, xuất hiện thông tin có trường hợp lây nhiễm với thời gian ủ bệnh lên tới hơn 20 ngày. Chưa hết, nhiều nước liên tiếp công bố ghi nhận thêm các ca xét nghiệm dương tính với Covid-19 mà không hề xuất hiện triệu chứng lâm sàng.
Thế giới phản ứng thận trọng
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, cộng đồng thế giới tiếp tục phản ứng với sự thận trọng cao độ. Trong tuyên bố mới nhất ngày 20/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesu nhấn mạnh, việc số ca nhiễm mới Covid-19 tại Trung Quốc liên tục giảm thời gian qua là đáng khích lệ, song vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu xu hướng này có tiếp tục hay không. Với quan điểm tương tự, Viện sỹ Chung Nam Sơn, chuyên gia hô hấp hàng đầu Trung Quốc ngày 17/2 cũng khẳng định, vẫn chưa thể kết luận dịch Covid-19 đã chạm đỉnh hay chưa.
Trong khi đó, các quốc gia tiếp tục thể hiện sự thận trọng với dịch Covid-19 bằng việc triển khai tăng cường những biện pháp phòng chống dịch hết sức quyết liệt. Tại Trung Quốc, cùng với việc thay đổi nhân sự lãnh đạo tối cao tại cả thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, biện pháp cách ly nghiêm ngặt và hạn chế di chuyển tối đa đã được áp dụng, trong khi hàng loạt biện pháp đối phó tăng cường cũng đã được triển khai ở hầu hết các địa phương trên toàn đất nước.
Bên ngoài Trung Quốc, rất nhiều các quốc gia đã bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Ngày 20/2, Australia tuyên bố gia hạn lệnh cấm với những người đến từ Trung Quốc tới ngày 29/2, để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tại Malaisia, Chính phủ nước này ngày 19/2 đã thảo luận về việc tạm thời cấm du khách Trung Quốc nhập cảnh. Từ cuối tháng 1, Malaisia đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc tại tỉnh Hồ Bắc. Về phần mình, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 20/2 ban hành khuyến cáo đi lại tới Nhật Bản và HongKong (Trung Quốc) đối với công dân Mỹ. Trong khi đó, đến thời điểm này, hơn 30 hãng hàng không quốc tế vẫn duy trì lệnh cấm bay đến quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo các chuyên gia y tế, việc thế giới tiếp tục phản ứng thận trọng với dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, song điều quan trọng hơn cả là cần phải có sự hợp tác thực chất và hiệu quả cấp quy mô toàn cầu, để ngăn chặn và chiến thắng dịch bệnh.