(VOV5) - Ngày 4/12 vừa qua, nhiều binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Iraq với lý do huấn luyện những tay súng người Kurd chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Vụ việc không chỉ khiến Iraq thêm bất ổn, tổn hại tới quan hệ song phương mà còn đặt an ninh khu vực Trung Đông trước mối nguy mới.
Theo truyền thông quốc tế, khoảng 130-150 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ được xe thiết giáp hộ tống tiến vào khu vực gần thành phố Mosul của Iraq ngày 4/12 mà không xin phép Baghdad. Trong khi đó, tờ Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nước này hiện có khoảng 1.200 lính bộ binh, 500 lính bộ binh cơ giới với nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo ở gần thành phố Mosul của Iraq. Từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mở trại huấn luyện Bashiqa ở ngoại ô Mosul cho dân quân người Kurd, đồng thời mở thêm hai căn cứ nữa ở Soran và Qalacholan thuộc khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq.
Căng thẳng quan hệ song phương
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ biện minh việc triển khai quân tại Iraq ngày 4/12 chỉ là một hoạt động bình thường, là sự tăng cường lực lượng nhằm đối với phó với những nguy cơ về an ninh. Trong năm qua, đã có khoảng 2.000 tay súng tình nguyện từ Mosul được huấn luyện tại 3 doanh trại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Iraq để chống IS. Chương trình huấn luyện này được triển khai theo yêu cầu của chính quyền vùng Mosul và được sự phối hợp của Bộ quốc phòng Iraq. Tuy nhiên, đại diện đảng Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK) Saadi Ahmed Pira cho hay “không hề có thỏa thuận nào với Thổ Nhĩ Kỳ về việc lập căn cứ quân sự ở Vùng tự trị Kurdistan, Iraq. Hiệp ước duy nhất được ký kết với liên minh quốc tế gồm 62 nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thỏa thuận không cho phép sự hiện diện của các căn cứ quân sự mà chỉ có hỗ trợ trên không và huấn luyện lực lượng người Kurd chống khủng bố".
|
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. (Ảnh AFP). |
Chính phủ Iraq cũng cực lực phản đối lập luận trên của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong phản ứng giận giữ ngày 6/12, Iraq tuyên bố có thể sẽ cầu viện Liên Hợp Quốc nếu các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ được điều tới miền Bắc Iraq không rút lui trong vòng 48 giờ đồng hồ. Trong khi đó một số nghị sĩ Iraq yêu cầu Quốc hội họp khẩn để thông qua những hành động quân sự cứng rắn hơn với quốc gia láng giềng. Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili kiến nghị Chính phủ điều máy bay không kích vào các vị trí mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập nhằm giáng trả hành động mà ông cho là “xâm lược trắng trợn một quốc gia có chủ quyền”. Trước phản ứng mạnh mẽ của Iraq, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã phải tuyên bố ngừng đưa quân tới Iraq song không đề cập gì tới việc rút quân. Ông Ahmet Davutoglu cũng phủ nhận những thông tin cho rằng đây là sự chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự tại Iraq. Trước những diễn biến căng thẳng trên, ngày 8/12, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc triệu tập phiên họp kín về vụ việc.
Nguy hiểm cho an ninh khu vực Trung Đông
Là một quốc gia Trung Đông với đa số người dân theo dòng Sunni, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ mật thiết với lực lượng người Kurd ở Iraq do chính trị gia Massoud Barzani lãnh đạo hơn chính quyền trung ương do người Shiite nắm quyền kiểm soát ở Baghdad.
|
Iraq phản đối quyết liệt khi Thổ Nhĩ Kỳ điều các đơn vị quân đội vũ trang hạng nặng tới Mosul. Ảnh: DHA |
Theo các nhà phân tích, việc triển khai quân của Thổ Nhĩ Kỳ lần này là một chiến lược ngoại giao mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Thái độ cứng rắn của Ankara trong thời gian qua chứng minh nước này có tham vọng muốn "cầm trịch" cục diện Trung Đông. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ cần lợi dụng các nhóm khủng bố hoặc tận dụng mọi cơ hội khác nhằm lật đổ chính quyền địa phương. Trong bối cảnh phức tạp ở Trung Đông những năm gần đây, Ankara đã gia nhập lực lượng phương Tây tấn công Lybia, đồng thời điều động quân đội tới Iraq và Syria. Ông Mehmet Kaya, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tigris ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng việc nước này điều quân tới Bashiqa, gần thành phố Mosul, là một nỗ lực nhằm khoét sâu mâu thuẫn, xa cách giữa cộng đồng người Kurd tự trị ở Iraq với chính quyền trung ương nước này, nhằm gia tăng vị thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, Aaron Stein, nhận định đây chắc chắn là một phần trong tham vọng sáp nhập lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Iraq vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương đưa quân vào Iraq là một bước đi mạo hiểm khi những căng thẳng liên quan đến vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 với Nga chưa được giải quyết một cách triệt để. Hành động này làm phức tạp thêm tình hình an ninh khu vực Trung Đông vốn bấy lâu nay vẫn được ví như thùng thuốc súng, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào.