Thỏa thuận hạt nhân của Iran trước sức ép thời hạn chót

(VOV5) - Nhóm P5+1 đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận cuối cùng nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran trước thời hạn chót là ngày 30/6 tới. Tuy nhiên, thời hạn chót này đang có nguy cơ tiếp tục bị bỏ lỡ bởi các bên tăng cường sức ép trên bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận có lợi cho mình nhất.

 

Thỏa thuận hạt nhân của Iran trước sức ép thời hạn chót - ảnh 1
Đại diện Mỹ và Iran tại vòng đàm phán mới nhất. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Vòng đàm phán cấp thứ trưởng giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) vừa kết thúc tại thủ đô Vienna của Áo có bầu không khí ảm đạm khi lập trường của các bên vẫn còn nhiều khác biệt. Hai bất đồng chính cản trở các bên đi đến thỏa thuận cuối cùng là lộ trình hủy bỏ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Iran và việc thanh sát các địa điểm hạt nhân của Iran. Iran lâu nay vẫn phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng nước này đang phát triển bom nguyên tử và khẳng định chương trình hạt nhân của mình nhằm mục đích hòa bình. Do vậy, Tehran kiên quyết không chấp nhận các hoạt động thanh sát những địa điểm quân sự của mình.

 

Trong một động thái mới nhất,  Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết gia hạn thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia giám sát việc thực hiện lệnh cấm vận đối với Iran thêm một năm, cho tới ngày 9/7/2016. Nghị quyết nhấn mạnh sự phát triển của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các phương thức vận chuyển chúng sẽ tiếp tục gây ra mối đe doạ đối với an ninh và hoà bình quốc tế.

 

Thừa quyết tâm, thiếu lòng tin

Iran và Nhóm P5+1 đã thông qua thoả thuận khung vào đầu tháng 4/2015 và ấn định ngày 30/6 là hạn chót để đạt được thoả thuận cuối cùng, sau khi bỏ lỡ hai hạn chót trước đó vào tháng 6 và tháng 11 năm ngoái. Chính vì vậy, tại vòng đàm phán lần này, các bên đều không muốn  bỏ lỡ cơ hội, không muốn những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt 20 tháng đàm phán bị uổng phí. Vấn đề chỉ là làm sao để có được một thỏa thuận có lợi cho mình nhất.

 

Duy trì sức ép lên các bên đối thoại để mình chỉ phải nhượng bộ ít nhất có thể, đó là chiến lược của Iran trong những ngày qua. Trong khi Mỹ và phương Tây đang hết sức nôn nóng đạt được một thỏa thuận đúng thời hạn thì Iran lại tỏ thái độ không vội vàng. Tuyên bố sau khi đàm phán kết thúc, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân kiêm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề pháp lý và quốc tế của Iran, ông Abbas Araqchi tỏ rõ lập trường rằng nước này không bị ràng buộc bởi lịch trình mà chỉ cố gắng đạt được một thỏa thuận tốt với tất cả những chi tiết đáp ứng những mong đợi. Theo nhà ngoại giao Iran, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau vẫn còn là một yếu tố tạo khoảng cách lớn giữa các bên trong tiến trình đàm phán, đồng thời cảnh báo mọi điều khoản được đề cập tới trong bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng vẫn có nguy cơ “bị đảo ngược” trong trường hợp bị các bên liên quan vi phạm và tình hình vẫn có thể quay trở lại tương tự như thời điểm trước khi bản thỏa thuận được thông qua.

 

Những phát biểu trên của nhà ngoại giao Iran chẳng khác nào “giội gáo nước lạnh” lên các nước phương Tây, nhất là Washington đang mong muốn đạt được thỏa thuận với Tehran để lấy lại hình ảnh trên trường quốc tế.

Cuộc chạy đua nước rút

 

Lo ngại 20 tháng thương lượng và những nỗ lực không mệt mỏi vừa qua sẽ bị uổng phí vào phút chót, chính quyền Mỹ đã tỏ ra cương quyết khẳng định thời hạn cuối cùng để ký thỏa thuận phải là ngày 30/6 tới, chứ không tính đến việc kéo dài các cuộc thương lượng thêm một lần nữa. Theo các nhà phân tích, việc ký một thỏa thuận với Iran không chỉ là ưu tiên của Tổng thống Barack Obama mà nó còn nằm trong một mục tiêu tham vọng hơn nhiều. Hòa giải với Iran, cường quốc ở khu vực Trung Đông, sẽ làm lắng dịu các cuộc xung đột dai dẳng ở khu vực Trung Đông mà Mỹ vốn có nhiều duyên nợ. Thái độ nôn nóng của Mỹ thể hiện qua tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken Iran đã đáp ứng đầy đủ tất cả các nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân lâm thời với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức).

 

Trong khi đó, nội bộ Nhóm P5+1 lại đang có sự chia rẽ. Pháp, nước có lập trường cứng rắn nhất trong nhóm, cho rằng Mỹ đã quá nhượng bộ với Iran. Nước này khẳng định sẽ không có thỏa thuận cuối cùng nếu không tiến hành thanh sát tất cả các cơ sở của Iran, kể cả quân sự.

 

Các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran diễn ra đến nay đã hơn một thập niên. Vậy nên sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi thời hạn chót cho thỏa thuận cuối cùng một lần nữa lại được gia hạn, dù hai thành viên chủ chốt, Iran và Hoa Kỳ đều đang tỏ rõ quyết tâm đưa các cuộc đàm phán đến một kết thúc thành công. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều lý do để hy vọng. Theo các nhà phân tích, cả Mỹ lẫn Iran đều không muốn bỏ lỡ cơ hội lịch sử này. Một thỏa thuận đạt được sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Hóa giải vấn đề hạt nhân Iran sẽ là điều kiện tiên quyết để Mỹ và Iran hợp tác giải quyết hàng loạt các vấn đề nóng của Trung Đông hay đối phó với mối đe dọa đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS). Vấn đề hiện nay chỉ là các bên sẽ dung hòa lợi ích như thế nào để đi đến kết quả cuối cùng./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác