(VOV5) - 37 năm sau chiến tranh, 17 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, hai nước Việt Nam và Mỹ đã cùng đi chung trên cây cầu hữu nghị, xóa bỏ mọi mặc cảm, hận thù, hàn gắn vết thương chiến tranh. Để có được những bước tiến dài trên con đường hợp tác đó có phần đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ Mỹ. Thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, nhưng tất cả họ đều mong muốn góp sức mình vào việc xây dựng những nhịp cầu hữu nghị và hòa bình giữa nhân dân hai nước, thông qua những dự án, hành động hỗ trợ thiết thực cho người dân Việt Nam.
Từng tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ từ khi còn là sinh viên nhưng mãi đến năm 2011, Thượng nghị sỹ bang Washington, bà Karen Lynne Keiser mới có dịp đặt chân tới Việt Nam để tham gia quá trình hòa giải giữa hai nước.
|
Thượng nghị sỹ bang Washington, bà Karen Lynne Keiser |
Thông qua chuyến thăm tìm hiểu thực tế tại Việt Nam và thực hiện một số hoạt động nhân đạo với thời gian vài ngày ngắn ngủi nhưng bà Keiser mong muốn chuyển thông điệp tới những cử tri, những người dân Mỹ quan tâm đến Việt Nam nhằm góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước. Bà cùng với chồng, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam luôn hết lòng ủng hộ Việt Nam và quan hệ hữu nghị Việt Mỹ, bằng cách tích cực đóng góp vào các hoạt động hỗ trợ Việt Nam. Bà Karen Lynne Keiser cho biết: “Năm 1993, trước khi VN và Mỹ thiết lập bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chồng tôi đã làm bộ phim về những người cựu chiến binh Việt Nam. Với tiêu đề “Hai thập kỷ thức tỉnh”, bộ phim đã nhận được sự phản hồi rất tích cực trong công chúng Mỹ. Qua đó, giúp cho người dân Mỹ, những cựu chiến binh Mỹ hiểu hơn về Việt Nam, về cuộc chiến Việt Nam, về những hậu quả mà chiến tranh đã để lại cho nhân dân Việt Nam”.
Cùng tâm nguyện phải làm gì đó để góp phần hòa giải, thúc đẩy giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, trên cương vị của mình, bà Cherry Mellor, lãnh đạo trường trung học George School (bang Pensyvania, Mỹ) đã đến Việt Nam 6 lần kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
|
Bà Cherry Mellor (đứng tứ 5 từ phải sang) đã đến Việt Nam 6 lần kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao |
Với quan niệm thay đổi nhận thức giữa nhân nhân hai nước phải bắt nguồn từ giới trẻ, từ giáo dục trong nhà trường và đó là cách làm hiệu quả nhất để hai dân tộc xích lại gần nhau hơn, cứ hàng năm, bà lại dẫn các giáo viên và học sinh của trường đến Việt Nam, hòa mình vào cuộc sống của người dân, tham gia lao động tình nguyện tại một số cơ sở nhân đạo ở một số địa phương của Việt Nam. Bà Cherry Mellor tâm sự: “Tôi muốn giúp các em học sinh có cái nhìn thực tế về cuộc chiến tại VN. Bởi vì phần lớn các em học sinh trong đoàn đều sinh ra sau chiến tranh nên tôi cho rằng điều này rất hữu ích với các em trong quá trình học tập. Thông qua các hoạt động tình nguyện, từ thiện, lao động công ích, cùng trải nghiệm cuộc sống với người dân VN trong chuyến đi này, sẽ giúp các em học hỏi được nhiều điều. Chính các em sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới”. Tình cảm dành cho Việt Nam của người phụ nữ này ngày càng dầy thêm khi năm 2003 bà đã quyết định nhận một bé trai bị bỏ rơi ở Trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi, khuyết tật tỉnh Bắc Ninh về nuôi. Không chỉ vậy, hàng năm, bà đều thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại các địa phương nghèo, trợ giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
Có lẽ, ở Việt Nam, tổ chức Cây hòa bình là cái tên được nhiều người dân Việt Nam biết đến. Chỉ riêng cái tên thôi cũng đủ nói hết tất cả những điều mà những người sáng lập ra tổ chức này mong muốn. Đó là ngày càng có nhiều “cây hòa bình” được trồng và xanh tươi trên mảnh đất chịu nhiều bom đạn Việt Nam. Từ ý tưởng của một gia đình Mỹ có người con trai duy nhất thiệt mạng trong cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, Cây hòa bình đã ra đời và 17 năm qua, gia đình này đã biến nỗi đau mất người thân trở thành những hành động trợ giúp người dân và trẻ em Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Bà Rae Cheney, bà mẹ Mỹ, người đồng sáng lập tổ chức Cây hòa bình Việt Nam, chia sẻ: “Tôi muốn cho họ thấy những gì tôi cảm nhận được vì bản thân tôi cũng là một người mẹ. Tôi hiểu được cảm xúc của họ, cũng như hiểu được nỗi đau mà những người mẹ phải chịu đựng khi mất con và do đó tôi muốn được nói chuyện và muốn được làm bạn với họ, muốn nói với họ rằng tất cả mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp, muốn làm điều gì đó để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Tham gia đóng góp chút sức lực của mình vào tổ chức Cây hòa bình Việt Nam chính là điều mà tôi lựa chọn”.
|
Bà Rae Cheney (cầm hoa, thứ 2 từ phải sang) được trao tặng Kỷ niệm chương vì Hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc |
Dù năm nay đã gần 90 tuổi nhưng với tâm huyết và nỗ lực không mệt mỏi, bà Rae Cheney vẫn đang tích cực cùng con gái, những người bạn Việt Nam và Mỹ giúp người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, hàn gắn vết thương chiến tranh và có được sự bình yên, an toàn trong cuộc sống. Hơn 50 nghìn bom mìn chưa nổ được phá hủy, hàng trăm ngôi nhà mới, trường mẫu giáo, thư viện được xây dựng, gần 1000 nạn nhân bom mìn được hỗ trợ trong cuộc sống, gần trăm nghìn cây xanh được trồng trên những vùng đất đã dọn hết bom mìn, là những gì mà Cây hòa bình đã làm được trong 17 năm qua.
Từng ngày, từng ngày, những người phụ nữ Mỹ này đang đặt thêm những viên gạch của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Công việc thầm lặng của những người Mỹ cách Việt Nam nửa vòng trái đất đã và đang có sức lan tỏa mãnh liệt. Những tấm lòng của những người phụ nữ Mỹ đã và đang vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Mỹ, như một biểu tượng cần nhân rộng khi thế giới còn những khu vực đầy bạo lực, chiến tranh./.