(VOV5) - Tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu.
Diễn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" vừa diễn ra hôm cuối tuần, tại Hà Nội. Diễn đàn truyền đi Thông điệp quan trọng: tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu.
Việt Nam đang kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô
Trong bối cảnh thế giới tăng trưởng thấp, Việt Nam vẫn tăng trưởng cao. Thế giới lạm phát cao thì Việt Nam duy trì được lạm phát thấp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 750 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần GDP. Các chỉ số về khả nắng chống chịu, thích ứng, năng lực tự cường của nền kinh tế Việt Nam tuy chỉ nằm ở dải trung bình và khá.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tài chính |
Việt Nam cũng chịu tác động rất nặng nề về dịch bệnh, thiên tai. Áp lực về kinh tế vĩ mô là rất lớn. Nhưng, Việt Nam đã kiểm soát tốt vĩ mô. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã nâng hạng tín nhiệm đối với Việt Nam. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB... dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%... Năm 2022, Việt Nam có một loạt chính sách tài khóa được thực hiện chưa có tiền lệ. Việc hỗ trợ giảm thuế và hỗ trợ tài khóa đã giúp tình hình vĩ mô ổn định; một số gói hỗ trợ liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người lao động góp phần cho việc ổn định về kinh tế xã hội, giải quyết việc làm.
Rõ ràng, Việt Nam đã có dự báo, phân tích, xử lý hợp lý, các chính sách vĩ mô đều đúng hướng. Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: "Điều hết sức đặc biệt là, ngược dòng bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và trong gần 9 tháng qua duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, về cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2022".
Chìa khóa để kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng theo hướng bền vững
Ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục "lội ngược dòng" thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động. Thực tiễn đã chứng tỏ chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, việc giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, việc tập trung hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật về quản lý đất đai và thị trường bất động sản sẽ khai thác có hiệu quả một trong những nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Về vấn đê này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức, để phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức đặc biệt, quý giá và quan trọng này. Nội dung đổi mới sẽ đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các bên, giải quyết nhu cầu sử dụng đất, giải quyết các vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Thứ 2 là tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa định giá đất và tài chính đất đai. Việc định giá đúng sẽ góp phần thực hiện được các chính sách về mặt xã hội. Thứ 3 là cần xây dựng được dữ liệu đất đai, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này".
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, tiền tệ, bất động sản…, đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó phải bảo đảm lưu thông lành mạnh, phát triển bền vững. Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có định hướng, giải pháp để trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả.
Ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục "lội ngược dòng" thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động.
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của thị trường, rà soát các luật liên quan trực tiếp đến quyền được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn (Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán). Trong đó, có 3 nhóm vấn đề xem xét báo cáo trình Quốc hội, gồm: điều kiện đối với doanh nghiệp xin chào bán trái phiếu; điều kiện đối với nhà đầu tư được phép tham gia đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp; cách thức phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng. Thứ hai, là đa dạng và cải thiện cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thứ ba là nâng cao chất lượng của các định chế trung gian tài chính tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp".
Ở góc độ tổng thể với tầm bao quát dài hạn hơn, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, các doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội.
Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm Đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua, việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế. Việc kiên định ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô sẽ giúp Việt Nam phát huy các tiềm năng lớn của nền kinh tế.