Thông điệp Xanh từ WEF Đại Liên

(VOV5) - Việc áp dụng đồng bộ các công nghệ xanh trong việc tổ chức WEF 15 chính là hành động thiết thực nhằm lan tỏa thông điệp xanh của WEF 15.

Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 15), hay còn gọi là Davos mùa Hè, diễn ra từ 25-27/06 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, Hội nghị dành trọng tâm thảo luận cho nhiều chủ đề liên quan đến việc tạo dựng các mô hình tăng trưởng xanh và bền vững cho tương lai.

Thông điệp Xanh từ WEF Đại Liên - ảnh 1Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đại Liên, địa điểm tổ chức Davos Mùa hè 2024, ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) - Ảnh: Tân Hoa Xã/Li Gang

Kể từ năm 2007, khi WEF tổ chức hội nghị đầu tiên ở Trung Quốc, Thiên Tân (Tianjin) và Đại Liên (Dalian) là hai thành phố luân phiên diễn ra sự kiện được biết đến với tên gọi "Davos mùa Hè". Đây cũng là hội nghị quan trọng thứ 2 trong năm của WEF, sau WEF Davos, thường diễn ra vào đầu năm tại thị trấn Davos của Thụy Sỹ.

Xanh từ các chủ đề thảo luận

Hội nghị WEF 15 năm nay tại Đại Liên có sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu là lãnh đạo chính phủ các nước, đại diện giới kinh doanh, học thuật và truyền thông của gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đáng chú ý có Thủ tướng nước chủ nhà Lý Cường, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda. Hơn 200 hoạt động được tổ chức trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, tập trung vào 6 nội dung thảo luận chính, gồm: Nền kinh tế toàn cầu mới; Trung Quốc và thế giới; Tinh thần doanh nhân trong thời đại Trí tuệ Nhân tạo (AI); Những lĩnh vực công nghiệp mới; Đầu tư vào con người; Kết nối khí hậu, tự nhiên và năng lượng. Bên cạnh việc chia các phiên thảo luận theo chủ đề cụ thể, Hội nghị cũng tổ chức các phiên theo tính chất tác động, ở quy mô toàn cầu, khu vực châu Á, hay đối với riêng Trung Quốc.

Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng tác động phức tạp đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, xây dựng mô hình tăng trưởng mới cân bằng, bền vững và hài hòa hơn với thiên nhiên là một ưu tiên thảo luận lớn tại WEF 15. Trong phiên thảo luận đầu tiên của WEF 15, diễn ra sáng 25/06, về chủ đề “Kết nối khí hậu, tự nhiên và năng lượng”, hầu hết các diễn giả đều khẳng định bảo vệ tự nhiên, đa dạng sinh học giờ đây không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc với các quốc gia và các cộng đồng mà còn là lĩnh vực để từ đó khám phá và xây dựng các nền tảng tăng trưởng Xanh cho tương lai.

Ông Andre Hoffmann, Đồng Chủ tịch các phiên thảo luận tại WEF 15, nhận định: “Nếu tăng trưởng kinh tế của chúng ta không được kiểm soát trong các giới hạn của Trái đất, chúng ta sẽ bóp nghẹt các hệ thống tự nhiên và điều đó về lâu dài không mang lại bất cứ lợi ích nào. Do đó, thông điệp của ngày hôm nay là tự nhiên là cơ hội chứ không phải chi phí, và nếu muốn có tăng trưởng mới thì phải quan tâm đến các giới hạn của Trái đất”.

Thông điệp Xanh từ WEF Đại Liên - ảnh 2Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, ông Klaus Schwab, phát biểu tại phiên họp ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), ngày 25/6/2024 - Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chia sẻ quan điểm này, phát biểu trong phiên khai mạc chính thức, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành WEF, ông Klaus Schwab cho rằng: "Các phiên thảo luận tại WEF sẽ tạo động lực thúc đẩy các quốc gia tiến nhanh hơn trong việc chuyển đổi sang công nghệ xanh và nền kinh tế xanh. Các thảo luận này cũng nêu rõ những cơ hội mà chúng ta có được trong tương lai, dựa trên công nghệ và sự chuyển đổi sang các công nghệ xanh hơn và các nền kinh tế xanh hơn. Để làm điều đó, để tiến tới các chân trời tăng trưởng mới, thì sự hợp tác dài hạn là điều thiết yếu”.

Xanh trong việc tổ chức

Bên cạnh các chủ đề ưu tiên về năng lượng, môi trường, trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng đến các mô hình tăng trưởng kinh tế xanh hơn, thông điệp xanh của WEF 15 còn được thể hiện trực tiếp trong công tác tổ chức Hội nghị, khi Ban Tổ chức WEF 15 áp dụng một loạt các công nghệ xanh vào việc tổ chức. Thị trưởng thành phố Đại Liên, ông Chen Shaowang, cho biết: “Năng lượng tiêu thụ tại các địa điểm chính và các cơ sở hỗ trợ Hội nghị 100% là điện xanh. Tổng cộng 520 phương tiện sử dụng năng lượng mới cũng được lắp ráp để phục vụ việc vận chuyển các đại biểu. Các vật liệu được sử dụng cho Hội nghị sẽ được tái chế và ngân sách cho việc tổ chức được tiết giảm cho việc áp dụng các tiêu chuẩn đơn giản, hài hòa, xanh và carbon thấp trong toàn bộ quy trình”.

Ngoài việc được cung cấp 100% nguồn “điện xanh”, hội trường chính của Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đại Liên, nơi diễn ra các phiên thảo luận chính, còn sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên hình thành trao đổi nhiệt đối lưu không khí qua rèm điện, cửa sổ mái nhằm tiết kiệm năng lượng và làm mát. Hệ thống điều hòa không khí trong Hội trường cũng sử dụng công nghệ “bơm nhiệt nguồn nước biển” nhằm tận dụng hiệu quả năng lượng tái tạo và tiết kiệm điện thông qua làm mát và chuyển đổi sang hệ nóng bằng nước biển. Đối với việc vận chuyển, 80% phương tiện phục vụ là phương tiện sử dụng năng lượng mới (ô tô điện, ô tô sử dụng hydrogen…) nhằm hỗ trợ việc đi lại ít carbon.

Theo chính quyền thành phố Đại Liên, việc áp dụng đồng bộ các công nghệ xanh trong việc tổ chức WEF 15 chính là hành động thiết thực nhằm lan tỏa thông điệp xanh của WEF 15, đồng thời cũng giới thiệu “Danh thiếp xanh” của thành phố Đại Liên ra thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác