(VOV5) - Hơn 500 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” trong 2 ngày 12 và 13/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị huy động, phát huy trí tuệ của các trí thúc, doanh nhân kiều bào, tìm giải pháp hiệu quả, thiết thực cho các vấn đề cấp bách cũng như lâu dài của Thành phố Hồ Chí Minh, đưa thành phố trở thành mô hình cho công tác vận động, xây dựng chính sách huy động đóng góp của kiều bào để phát triển đất nước.
|
Xây dựng và phát triển đất nước (Ảnh minh họa) |
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của đất nước, là cầu nối tăng cường hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức nhiều chương trình, hoạt động phong phú để tạo điều kiện cho kiều bào về nước giao lưu, thúc đẩy kinh doanh, đầu tư trong nước gia tăng sự gắn kết, hướng về cội nguồn. Hội nghị kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh là sự kiện lớn đầu tiên tổ chức cho kiều bào tại Thành phố Hồ Chí Minh vì đây là đầu tàu của cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập.
Chung tay phát triển khoa học công nghệ, kinh tế tri thức của thành phố
Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông-Nam Á”. Vì thế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức. Thành phố tập trung nghiên cứu thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển các tiềm lực khoa học – công nghệ và phát triển thị trường công nghệ…Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Lê Hải,Trường Đại học Monash, Melbourne, Australia, cho rằng: "Nếu chúng ta có thể phát triển công nghệ của riêng chúng ta thì giải quyết được vấn đề của đất nước, của thành phố. Đồng thời chúng ta sẽ đi đầu trong công nghệ đó và có thể đưa công nghệ đó ra nước ngoài, như thế chúng ta là người làm chủ công nghệ, chúng ta bán công nghệ, chúng ta không còn phụ thuộc vào công nghệ nữa".
|
Thu hút nguồn lực kiều bào để phát triển đất nước (Ảnh minh họa) |
Cũng tại hội nghị, các kiều bào cho rằng thành phố Hồ Chí Minh phải có hệ sinh thái cho nền kinh tế tri thức, tập trung thực sự vào tri thức, sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao mà phần lớn là các tài sản vô hình: như bản quyền sáng chế, các phát minh được đăng kí, các kĩ sư lành nghề...Tiến sỹ Phan Bích Thiện, kiều bào ở Hungary, đề xuất giải pháp để kết nối giữa các đề tài nghiên cứu khoa học với thị trường và nhu cầu doanh nghiệp: "Tôi muốn đề nghị về sự đóng góp của doanh nghiệp đối với khoa học công nghệ phục vụ phát triển. Người Việt Nam rất thông minh, có nhiều giải thưởng thế giới về các đề tài nghiên cứu. Nhưng việc nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp chưa liên kết với nhau. Tôi đề nghị lập một quỹ phát triển khoa học công nghệ. Quỹ này cần xã hội hóa. Nghĩa là đưa ra quy định các doanh nghiệp đóng một phần trăm doanh thu nào đó vào quỹ khoa học công nghệ. Nhưng để doanh nghiệp không cảm thấy đó là sự bắt buộc, thì nên cho doanh nghiệp tự lựa chọn các cơ sở nghiên cứu, trường Đại học nào họ thấy sát sườn, thực tế, giúp họ tăng lợi nhuận hơn thì họ đóng góp".
Tâm huyết với sự phát triển của đất nước
Ý kiến đóng góp của các kiều bào đối với sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đa dạng trong các vấn đề như: xây dựng thí điểm thành phố khởi nghiệp, thành phố thông minh, các vấn đề chiến lược của đất nước về giáo dục đào tạo, kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư…Sự tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tại Hội nghị đã thực sự kết nối được những người Việt xa quê với ý chí của lãnh đạo và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Trưởng ban tổ chức Hội nghị, cho rằng: "Tôi cho rằng sự thành công của chúng ta là sự kết nối của hai yếu tố cấu thành là ý nguyện tâm huyết của những người con đất Việt xa quê, luôn luôn đau đáu hướng về đất nước, hướng về thành phố mang tên Bác, kết nối với ý chí của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chung sức chung tay cùng nhân dân Thành phố, biến thành phố mến thương của chúng ta thành niềm tự hào của bất kì người con đất Việt nào đi xa".
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Vũ Dũng/VOV) |
Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thời gian qua, các doanh nghiệp kiều bào đã tích cực hợp tác với các doanh nhân trong nước đưa hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ra nước ngoài; đầu tư, thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước. Trí thức kiều bào cũng tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo; triển khai các dự án từ thiện, xã hội ở trong nước... Đặc biệt, lượng kiều hối gửi về nước ngày càng tăng với 12,5 tỷ USD vào năm 2015, hướng vào đầu tư, sản xuất kinh doanh và giải quyết đời sống một bộ phận dân cư trong nước.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động đối với những người con xa quê hương nhưng trái tim luôn hướng về đất nước: "Mỗi kiều bào ta, dù hoàn cảnh sống khác nhau, hay đâu đó còn những suy nghĩ sự khác biệt về đất nước, nhưng tôi tin tưởng rằng trong tâm trí, trong trái tim của tất cả đều có trái tim ấm tình yêu quê hương, đất nước, nơi mà quê hương mỗi người chỉ một, tất cả chúng ta hãy chung sức chung lòng, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các bạn bè năm châu".
Trân trọng những đóng góp của kiều bào, cầu thị, lắng nghe những hiến kế của những người con xa Tổ quốc, đất nước là nhằm phát huy được nguồn lực to lớn của kiều bào trong công cuộc đổi mới và phát triển bền vững, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đi đầu của cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế.